Từ năm 2019, thị trường có sự phát triển rất nhanh. Trong quá trình phát triển đó, Bộ Tài chính đã nhận thấy những rủi ro mới phát sinh. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, quy mô vẫn phát hành trái phiếu, thông qua việc đẩy lãi suất phát hành tăng lên để thu hút nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, mặc dù hạn chế các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp nhưng vẫn có một bộ phận rất lớn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và hậu quả là phát sinh những rủi ro cho chính những nhà đầu tư đó. Một số công ty, tổ chức trung gian làm tư vấn phát hành, trung gian tài chính không thực sự trung thực khi cung cấp dịch vụ, để thông tin đến với nhà đầu tư không đầy đủ.
Do đó, đại diện Bộ Tài chính cho hay, cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường việc thanh kiểm tra, giám sát để xử lý các vi phạm trên thị trường. Từ những bất cập của thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính triển khai xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi một số điểm của nghị định hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65).
Nghị định 65 có nhiều điểm mới liên quan đến các đối tượng tham gia vào thị trường.
Thứ nhất, về điều kiện và hồ sơ phát hành, các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được quy định ở Luật doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, Nghị định 65 chỉ điều chỉnh một số quy định về hồ sơ, để đảm bảo tăng tính minh bạch của việc phát hành trái phiếu DN, tăng tính tiếp cận thông tin của chủ thể phát hành và của nhà đầu tư.
Cụ thể, Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Chứng khoán và việc này sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2023. Khi doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư cá nhân phải có hợp đồng kí kết với đại diện người chủ sở hữu trái phiếu; phải có xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản từ việc phát hành trái phiếu.
Thứ hai, liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, nghị định bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà phát hành cho nhà đầu tư và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và các quy định khác.
Thứ ba, chính sách liên quan đến nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đảm bảo phải có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương- Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: Đây là một điểm rất mới, tăng trách nhiệm của nhà đầu tư hơn khi đưa ra quyết định đầu tư của mình, đó là khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đọc một bản công bố thông tin và phải tự kí vào bản đó, xác nhận tiếp nhận đầy đủ những thông tin doanh nghiệp công bố; đồng thời, hiểu pháp luật và chịu trách nhiệm về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp….
Bên cạnh đó, Nghị định 65 cũng làm chặt chẽ hơn với các quy định như: nhà đầu tư sẽ không được tham gia vào các hợp đồng cùng đầu tư trái phiếu do các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác rao bán. Nghị định mới cũng quy định rõ về việc thiết lập một trường thứ cấp để giao dịch các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Theo đó, đặt ra lộ trình để đưa các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vào giao dịch trên thị trường này…
"Với việc Chính phủ ban hành Nghị định 65, thị trường trái phiếu của Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển thực chất hơn, để những doanh nghiệp công bố công khai, minh bạch thông tin vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn rất hiệu quả trên thị trường", đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm.