"Tuyển dụng mù quáng" - ý tưởng để ứng viên giữ lại toàn bộ thông tin của mình bao gồm các yếu tố như giới tính, dân tộc, nền tảng kinh tế xã hội, không cho nhà tuyển dụng được biết nhằm ngăn chặn sự thiên vị đang ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc, theo Korea JoongAng Daily.
Chính phủ nước này đã buộc các cơ quan dân sự và các công ty công áp dụng ý tưởng trên khi tuyển dụng nhân sự làm việc. Trên thế giới, các công ty lớn như HSBC, Google về cơ bản cũng đã thực hiện chính sách này trong nhiều năm qua.
Có gì trong tên một trường đại học?
Tại Hàn Quốc, một thông tin quan trọng luôn bị lọc ra khỏi hồ sơ ứng viên chính là tên trường đại học.
"Điều này tạo ra sự bình đẳng cho mỗi ứng viên, thay vì chọn ai đó dựa trên việc họ có học ở những trường top đầu hay không", một nhà tuyển dụng tại công ty bảo hiểm, chi nhánh Seoul, cho biết.
Theo các chuyên gia, việc biết được thành tích học tập của ứng viên có thể giúp nhà tuyển dụng khai thác được nhiều khía cạnh tiềm năng hơn của họ. Nhưng đối với một số nhà xã hội học tại xứ kim chi, chế độ nhân tài tại Hàn Quốc đang được xây dựng dựa trên sự bất bình đẳng xã hội.
"Việc đạt được các chứng chỉ của trường đại học top đầu Hàn Quốc không nói lên được đó là kết quả của sự cạnh tranh công bằng", Lee Geon Man, nhà xã hội học, tiết lộ trong nghiên cứu của ông về xung đột giai cấp và giáo dục ở Hàn Quốc.
Bất cứ ai đã xem bộ phim truyền hình "Sky Castle" đều biết mức độ cạnh tranh khốc liệt để vào được các trường đại học hàng đầu đất nước.
Ở Hàn Quốc, những người được đánh giá có trí tuệ nhất quốc gia được cho rằng sẽ theo học tại SKY, một từ viết tắt bắt nguồn từ các chữ cái đầu tiên của 3 trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc: Đại học Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei.
Theo một cuộc khảo sát của Mạng lưới người tiêu dùng vì lợi ích cộng đồng trong năm 2020, việc chuẩn bị để trở thành một sinh viên của SKY đòi hỏi nhiều người phải bắt đầu từ rất sớm. Họ cần theo học ít nhất 2 trường luyện thi bên cạnh việc học bình thường từ năm 8 tuổi.
Nhưng không phải ai cũng có khả năng chi trả cho loại hình đào tạo cấp cao này, đặc biệt là khi còn trẻ. Các số liệu từ nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa những người học đại học SKY và sự giàu có.
Theo một nghiên cứu của Ma Gang Rae, giáo sư kinh tế và quy mô đô thị tại Đại học Chung-Ang, cho thấy những cư dân từ các quận giàu có nhất thành phố Seoul là Gangnam, Seocho và Songpa có tỷ lệ học sinh theo học tại Đại học Quốc gia Seoul đông nhất.
Những sinh viên tốt nghiệp SKY sau đó sẽ chiếm tới 53% các vị trí lập pháp của Quốc hội, 71% các chức vụ cấp bộ trưởng, 49% người đứng đầu chính quyền địa phương, 53% vị trí CEO, 65% nghề luật và 63% vị trí giám đốc bệnh viện.
Chính phủ hiện tại cũng không khác, 79% thành viên đầu tiên của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đều là sinh viên tốt nghiệp SKY.
Sự bất ổn xã hội
Trên thực tế, các nhà xã hội học cho rằng những người có thành tích học tập cao sẽ hình thành bè phái và duy trì sự thống trị của họ thông qua chế độ gia đình trị, tạo nên sự mất cân bằng trong xã hội.
Trước đây, việc tận dụng và sử dụng mạng lưới mối quan hệ cá nhân để thăng tiến là một thông lệ được chấp nhận ở Hàn Quốc. Điều này phổ biến đến mức mọi người thường kể về gia đình, người quen và trường học của họ để tìm kiếm sự chú ý và cơ hội tốt.
Trên thực tế, trước đây các nhà tuyển dụng thường hỏi các ứng viên về nghề nghiệp của cha mẹ họ. Tùy thuộc vào câu trả lời của ứng viên, nhà tuyển dụng có thể đánh giá liệu người này có xuất thân từ một gia đình giàu có, nhiều mối quan hệ hay không.
Tuy nhiên, chính điều này đã gây ra những ảnh hưởng lớn trong các vụ bê bối liên quan tới giới chính trị tại Hàn Quốc nhiều năm qua.
Một số thống kê cho thấy việc cách tuyển dụng mới này đã có tác dụng cân bằng trong xã hội.
Một nghiên cứu của Bộ Việc làm và Lao động, cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp SKY được tuyển dụng vào các công ty, tập đoàn lớn đã giảm 30% so với trước đây.
Số liệu cũng cho thấy có nhiều phụ nữ trúng tuyển hơn vào các công ty nhờ chính sách này. Tỷ lệ nữ được tuyển dụng mới đã tăng từ 34% vào năm 2016, lên 39% vào năm 2019.
Che tên trường trong lý lịch của người tìm việc khó có thể là giải pháp tối đa để giải quyết sự phân chia xã hội sâu sắc và sự bất bình đẳng ở Hàn Quốc, song, nhiều chuyên gia đánh giá đây vẫn là giải pháp nên duy trì trong tương lai.