Vấn đề tạo lập quỹ chung không mang tính cấp bách như khi quyết định thời điểm ra mắt gia đình hay sẵn sàng xây dựng một tổ ấm. Tuy nhiên, việc quyết định hợp nhất tài sản của các cặp đôi lại là yếu tố tác động lớn đến sự giàu có trong tương lai, theo The Wall Street Journal.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các cặp vợ chồng hợp nhất tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng và các tài khoản đầu tư sẽ hạnh phúc hơn về lâu dài.
Thêm vào đó, họ nhận thấy việc này sẽ thuận tiện hơn khi cần tiền để mua nhà hay tiết kiệm để nghỉ hưu.
Các nhà nghiên cứu cho hay việc kết hợp tài chính là một trong những nguyên do khiến các cặp vợ chồng đã kết hôn nắm giữ khối tài sản nhiều gấp 4 lần so với các cặp đôi sống thử.
Lợi ích
Theo nghiên cứu của Emily Garbinsky, Phó giáo sư ngành tiếp thị và khoa học hành vi tại Đại học Cornell, và Joe Gladstone, trợ lý giáo sư ngành tiếp thị nghiên cứu về quyết định của người tiêu dùng tại Đại học Colorado (Mỹ), có một số lợi thế khi hợp nhất các khoản thu nhập.
Ngoài lợi ích của việc sở hữu lượng tài sản lớn hơn, việc kết hợp tài chính khiến các cặp đôi có trách nhiệm cao hơn. Mỗi người có thể quan sát thói quen chi tiêu và tiết kiệm của đối phương chặt chẽ hơn.
Phó giáo sư Garbinsky và Gladstone đã nghiên cứu quyết định về tài chính trong các cặp đôi thay đổi như thế nào dựa trên nguồn chi tiêu từ tài khoản riêng hay tài khoản chung. Họ phát hiện rằng những người chi tiêu từ tài khoản chung có xu hướng giảm các giao dịch mua hàng “hưởng lạc” và thay vào đó, họ sẽ cân nhắc những lựa chọn “thực tế” hơn.
Nghiên cứu cũng chứng minh rằng trách nhiệm giải trình lớn hơn không có nghĩa là xung đột sẽ lớn hơn.
Ông Gladstone nhấn mạnh: “Nâng cao tính minh bạch và nhận thức về hành vi của các cá nhân trong một mối quan hệ có thể giúp mọi người dễ dàng hòa hợp và đi đúng hướng”.
Các cặp vợ chồng chia sẻ nguồn tài chính có thể duy trì sự viên mãn trong mối quan hệ hơn các cặp đôi khác.
E ngại
Tuy nhiên, nhiều cặp đôi vẫn còn e ngại việc tạo lập quỹ chung.
Theo một cuộc khảo sát năm 2022 từ CreditCards.com, chỉ 43% cặp vợ chồng có tài khoản ngân hàng chung, 34% trong số đó cho hay họ có tài khoản chung của cả hai và tài khoản riêng của từng người, 23% còn lại chia sẻ rằng nguồn tài chính của họ hoàn toàn tách biệt.
Sự lựa chọn cho việc lập quỹ thường phụ thuộc vào cách mọi người đánh giá rủi ro và lợi ích.
Nếu một cặp vợ chồng đã ly hôn, vấn đề tài chính chung có thể khó giải quyết hơn so với thông thường. Số tiền một người kiếm được trong khoản hợp nhất có thể bị thiệt hại khi phân chia tài sản.
Nathan Gallagher (30 tuổi), nhân viên pha chế sống ở Brooklyn, chia sẻ dù không lập quỹ chung, họ vẫn ổn với việc giải quyết mọi thứ. Gallagher cho biết họ chia tiền thuê nhà và các hóa đơn gia đình khác. Nếu một trong hai cần tiền trong thời gian khó khăn, đối phương sẽ không ngần ngại giúp đỡ.
Khi nói đến việc chia sẻ tiền với nửa kia, Gallagher cho rằng việc đó thực sự phụ thuộc vào mục tiêu của từng người và khả năng chấp nhận rủi ro của chính họ.
Một giải pháp cho những cặp đôi chưa quyết định sử dụng tiền chung là cả hai nên có những cuộc thảo luận về các mục tiêu tài chính chung, đưa ra quyết định khi nào sẽ chia sẻ chi phí và khi nào nên tách riêng các khoản mua hàng.
Hợp nhất tài chính có thể mang lại rủi ro khiến nhiều cặp đôi e ngại. Tuy nhiên lợi ích từ việc này có thể lớn hơn nhiều, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp hơn.
“Nếu bạn có thu nhập thấp hơn, bạn sẽ có nguồn tài chính lớn hơn sau khi tạo lập quỹ chung. Nếu cả hai bạn đều có nguồn tài chính cá nhân khá giả và gộp lại với nhau, bạn sẽ càng trở nên giàu có”, giáo sư Garbinsky cho hay.