Ngày 27/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức buổi họp báo thông tin chung về điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023.
Số liệu được ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 21/12/2022 tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021.
Trước đó, cũng theo cơ quan này, từ đầu năm đến 29/11, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,20% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong hơn 20 ngày, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 0,67 điểm phần trăm, tương đương tăng khoảng 70.000 tỷ đồng.
Đồng thời, nếu căn cứ vào định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 vừa được điều chỉnh tăng lên 15,5-16%, thì tín dụng còn có thể tăng thêm 3,13 điểm phần trăm, tương đương 326.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế. Tuy nhiên, thời điểm này chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm. Do vậy, mức tăng 12,87% được xác định cho cả năm 2022 và việc mở thêm "room" trong năm nay so với định hướng từ đầu năm gần như là giải pháp tâm lý cho thị trường.
Theo giới phân tích, sở dĩ tăng trưởng tín dụng tăng thấp xa so với mục tiêu 14% hồi đầu năm 2022 và định hướng 15% - 16% sau khi Ngân hàng Nhà nước nới "room" gần đây là vì (i) năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau thời kỳ đại dịch vẫn chưa hồi phục hoàn toàn; (ii) năm 2022, đặc biệt là kể từ tháng 8 đến nay, mặt bằng lãi suất cao do điều chỉnh chính sách để bảo vệ tỷ giá và kiểm soát lạm phát nên các doanh nghiệp rất đắn đo vay; (iii) các chuẩn mực kiểm soát rủi ro vẫn được các ngân hàng không hạ chuẩn nên việc tiếp cận tín dụng không dễ dàng, đặc biệt là khu vực bất động sản.
Bởi vậy, mặc dù Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng nhưng gần như mức tăng trưởng tín dụng thực tế không chạm tới.
Tuy nhiên, theo ông Tú, về cơ bản tín dụng hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. "Thời gian vừa qua chúng tôi đã nới rộng tín dụng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải rất áp lực về vấn đề room tín dụng khi phải ổn định vĩ mô nhưng vẫn phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", ông Tú nói
Xét về cơ cấu, tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong khi tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Về cơ bản sự ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững. Năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, các chuẩn mực, thiết chế an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng từng bước được củng cố, tiệm cận thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Đồng thời, nhờ tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nên tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn. Theo đó, đến nay, nợ xấu nội bảng ở mức 1,92%.
Năm 2023, dự báo kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen. Phó Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện nhiều biện pháp, phù hợp với diễn biến mới.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.