Đây là năm thứ 3 liên tiếp Thanh Hóa bị tụt hạng trên bảng xếp hạng PCI, từ vị trí thứ 24 năm 2019 tụt xuống vị trí thứ 47 như hiện tại.
Nhiều chỉ số thành phần tiếp tục giảm
Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, có đến 7 chỉ số Thanh Hóa bị giảm điểm so với năm 2021. Đó là các chỉ số: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí thời gia; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, 3 nhóm chỉ số thành phần Thanh Hóa có sự cải thiện so với năm liền trước, đó là: Chi phí không chính thức; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý.
Trong các nhóm chỉ số thành phần, đáng chú ý chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Thanh Hóa giảm điểm nhẹ so với năm 2021 nhưng vẫn xếp thứ 2 cả nước. Trong khi đó, các chỉ số khác đều xếp ở nửa sau của bảng xếp hạng.
Tổng số điểm năm 2022 của Thanh Hóa đạt 63,67 diểm, xếp hạng 47 cả nước. Đây là thứ hạng thấp nhấp của Thanh Hóa kể từ năm 2007.
Tại Bắc Trung Bộ, các tỉnh trong khu vực có sự cải thiện vươn lên mạnh mẽ. Trong đó Thừa Thừa Huế xếp thứ 6 cả nước, Hà Tĩnh xếp thứ 18, Nghệ An xếp thứ 22, Quảng Bình xếp hạng 48, ngay sau Thanh Hóa và Quảng Trị xếp ở vị trí cuối cùng, hạng 59 cả nước.
Trên bình diện cả nước, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước năm thứ 6 liên tiếp. Ở vị trí tiếp theo, Bắc Giang lần đầu tiên vượt qua Hải Phòng xếp thứ 2 cả nước. Các vị trí tiếp theo trong TOP 10 lần lượt thuộc về các địa phương Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Long An.
Báo cáo PCI 2022 là ấn phẩm thường niên năm thứ 18 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
PCI 2022 là "tập hợp tiếng nói" của 12 nghìn doanh nghiệp trong nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Trong báo cáo Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022, lần đầu tiên VCCI giới thiệu và công bố chỉ số PGI.
Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Theo đó, ở lần công bố đầu tiên của chỉ số này, Thanh Hóa xếp ở vị trí thứ 40 cả nước với điểm số 14,41 trên thang điểm 40. Chỉ số PGI được xây dựng trên 4 chỉ số thành phần bao gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Đáng chú ý trong 4 chỉ số thành phần của PGI, ở chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường Thanh Hóa chỉ được chấm 1,59 điểm trên thang điểm 10, xếp thứ 53 cả nước.
THANH HÓA TỤT SÂU TRONG BẢNG XẾP HẠNG PCI
Theo đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Thanh Hóa, các phân tích trong báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 dựa trên kết quả tham gia trả lời điều tra của gần 12.000 doanh nghiệp của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Bình quân mỗi tỉnh khoảng 200 doanh nghiệp. Do đó, kết quả này không không phản ánh đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa.
Hơn nữa, việc đánh giá chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) chưa có tính kế thừa và chưa căn cứ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương thể hiện qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: Tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực…
Vì thế, nhiều tỉnh, thành có Chỉ số PCI tốt, xếp thứ hạng trong nhóm tốt, nhưng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội lại ở nhóm sau và ngược lại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ; năng lực kinh doanh, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, dẫn tới phải xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm tra, do đó ảnh hưởng đến kết quả đánh giá của các doanh nghiệp này khi lấy ý kiến đối với chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa.
Chính vì thế, nên Thanh Hóa mặc dù có tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm cao nhất cả nước trong 5 năm qua, thu ngân sách bùng nổ, lần đầu tiên gia nhập nhóm các địa phương có số thu trên 50.000 tỷ, thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ của cả nước nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh lại liên tục bị sụt giảm sâu.
Giám đốc VCCI Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu cho rằng, dư địa cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ở các địa phương vẫn còn rất nhiều. Bảng xếp hạng PCI hàng năm vừa là động lực, cũng vừa là áp lực thôi thúc các địa phương trong việc nâng cao năng lực điều hành kinh tế-xã hội nhằm cạnh tranh nhau về thứ hạng.
Mặc dù lãnh đạo cấp cao nhất ở địa phương rất quyết tâm và bằng nhiều nỗ lực trong điều hành để cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng đâu đó ở cấp sở, ngành cũng đang còn nhiều vấn đề hạn chế trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân như: né tránh trách nhiệm, "đá bóng" vấn đề, còn "cát cứ" trong lĩnh vực quản lý của mình.
PCI chính là bộ chỉ số của hành động, thúc đẩy hành động thực chất ở chính quyền các địa phương, là cơ sở để nhìn lại những kết quả được và chưa được, từ đó nâng cao hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.