Năm 2023, Thượng Hải (Trung Quốc) có 8.530 cửa hàng cà phê, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới.
Điều đó có nghĩa là trung bình cứ mỗi km2 ở Thượng Hải có 1,3 quán cà phê. Tại một số khu vực, con số có thể cao hơn gấp 30 lần.
Không ít người tò mò tại sao ở thành phố tại một đất nước vốn nổi tiếng về văn hóa thưởng trà, người dân lại yêu thích cà phê đến vậy.
Theo Shine, trước tiên phải nhìn vào lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa cà phê ở thành phố này, và sau đó là cách tiếp nhận của xã hội hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Lịch sử 180 năm
Văn hóa cà phê ở Thượng Hải khởi nguồn từ năm 1843, khi cà phê ban đầu được coi là một loại thuốc trị ho. Các nhà thuốc đông y đã bán cà phê cho bệnh nhân của họ.
Nhưng loại đồ uống này đã nhanh chóng thành món thời thượng khi ẩm thực phương Tây trở nên thịnh hành ở Trung Quốc.
Kể từ những năm 1920, cà phê trở nên phổ biến với tên gọi tiếng Trung là "ka-fei". Cửa hàng cà phê đầu tiên được thành lập ở Thượng Hải nằm trong khách sạn Astor House Hotel, ngày nay được biết đến là Pujang Hotel, vào năm 1846.
Sau đó, hàng loạt tiệm cà phê mọc lên khắp thành phố trong khoảng những năm 1920-1940. Những cái tên nổi bật có thể kể đến trong thời kỳ này là Carlton Café và Royal Café.
Văn hóa cà phê cũng được khắc họa trong các bộ phim điện ảnh có chủ đề Thượng Hải trong thời kỳ này.
Khoảng những năm 1922-1937, có tới 13 trên 33 bộ phim trong nước có nội dung liên quan đến Thượng Hải, với cảnh phim miêu tả người dân thành phố thưởng thức cà phê.
Vào năm 1935, Zhang Baocun, một doanh nhân người Trung Quốc, đã thành lập Crown Produce Company ở Thượng Hải. Công ty chuyên nhập khẩu hạt cà phê thô, rang và chế biến chúng để cung cấp cho các cửa hàng địa phương.
Công ty đã rất thành công trong lĩnh vực này. Sau đó, nó được đổi tên thành "Shanghai Coffee Factory" vào năm 1959, trở thành cơ sở sản xuất cà phê duy nhất tại Trung Quốc vào thời điểm đó.
Ngày nay, có rất nhiều chuỗi cửa hàng cà phê lớn xuất hiện khắp thành phố như Starbucks hay Tim Hortons. Tuy nhiên, những cửa hàng độc lập vẫn trở nên nổi tiếng hơn, chiếm 60% thị phần ngành cà phê ở thành phố này.
Starbucks đã mở Reserve Roastery, một cửa hàng cà phê lớn hoàn chỉnh với thiết bị rang của riêng mình tại Thượng Hải vào năm 2017. Blue Bottle Coffee mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc đại lục vào đầu năm 2022.
Dấu ấn văn hóa
Thống kê cho thấy mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người hàng năm của Thượng Hải là khoảng 20 ly, trong khi con số trên toàn quốc chỉ là 4.
Một động lực khác thúc đẩy số lượng cửa hàng cà phê bùng nổ ở Thượng Hải được cho là bởi ngày càng nhiều thanh niên mơ ước hiện thực hóa "giấc mộng Trung Hoa" bằng cách khởi nghiệp với một tiệm cà phê riêng.
Han Yulong, nhà sáng lập chuỗi cà phê khởi nghiệp Manner Coffee, là một người đã biến ước mơ thành sự thật. Anh bắt đầu với quán cà phê chỉ vỏn vẹn 2 m2, nằm trong con hẻm sau khu mua sắm ở Thượng Hải, và cuối cùng đã thành công mở rộng kinh doanh ra toàn quốc.
Năm 2021, công ty nhận được tiền đầu tư từ Meituan, công ty điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc và ByteDance, nhà điều hành ứng dụng chia sẻ video TikTok và nền tảng video ngắn Douyin.
Ngoài lịch sử thú vị, văn hóa cà phê ở Thượng Hải còn mang đến một nền tảng độc đáo cho văn hóa cộng đồng. Một số tiệm cà phê ủng hộ người lao động khuyết tật, bằng cách đào tạo họ kỹ năng pha chế cà phê.
Nền công nghiệp cà phê còn hỗ trợ người nông dân trồng loại cây này ở những địa phương kém phát triển hơn. Tỉnh Vân Nam là một ví dụ: Hiệp hội cà phê Thượng Hải đã mời các chuyên gia để đào tạo cho người nông dân các phương pháp khoa học, đồng thời quảng bá cà phê Vân Nam ở thị trường Thượng Hải.
Những nỗ lực trên là một phần trong chương trình hợp tác cùng phát triển giữa Vân Nam và Thượng Hải, nhằm thu hẹp khoảng cách kinh tế.
Cà phê không chỉ là một thức uống thời thượng ở Thượng Hải, mà còn là một dấu ấn trong giao lưu văn hóa, sự đổi mới và kết nối cộng đồng. Nó kết nối giữa con người với con người, và giữa người dân thành phố với thế giới.