Thanh khoản chứng khoán đang trở thành vấn đề trên thị trường khi dòng tiền đang chứng kiến sự hao hụt mạnh, nhất là thời điểm thị trường dần về cuối năm khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Chỉ khoảng nửa năm trước đây, nhà đầu tư có thể khớp lệnh vài triệu đơn vị ở các mã cổ phiếu nóng song lệnh bán hiện nay đã phải trải dài nhiều mức giá mới có thể khớp được số lượng như mong muốn, dòng tiền đang trở thành vấn đề lớn đến thanh khoản chứng khoán.
Chẳng hạn, phiên giao dịch ngày 29/12 chứng kiến tổng giá trị mua bán dưới mức 10.000 tỷ đồng trên các sàn, mức thấp nhất trong hơn một tháng qua. Thậm chí giá trị khớp lệnh trên sàn sôi động nhất là HoSE cũng chỉ đạt 5.850 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với thời điểm đầu tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền - Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Ngoại thương - thừa nhận vấn đề lớn nhất vào cuối năm là dòng tiền, động cơ lớn nhất trên sàn chứng khoán là làm sao để có tiền.
"Điều này có thể hiểu là nhà đầu tư cá nhân đang cần chốt lợi nhuận để có dòng tiền nhất định phục vụ cho dịp lễ Tết sắp tới", bà nói.
Bản thân các doanh nghiệp trong thời điểm cuối năm cũng cần dòng tiền để trả lương, thưởng hay chi phí hàng tồn kho trong năm tiếp theo. Doanh nghiệp cần thu tiền về để nhập các nguyên vật liệu đầu vào chuẩn bị sản xuất năm tới.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số liệu tăng trưởng cung tiền năm nay đang thấp nhất lịch sử, đồng nghĩa với việc thị trường vốn đang không có tiền bơm vào.
Tính theo số liệu mới nhất đến tháng 10, tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) đạt 13.815 triệu tỷ đồng, tăng 3,08% so với hồi đầu năm và chỉ tăng 7,03% so với cùng thời điểm năm 2021 – mức tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu năm 2012. Còn so sánh với tháng liền trước, cung tiền thậm chí giảm gần 18.000 tỷ đồng.
Bà Huyền ví von nhà đầu tư như con cá trong bể nước và cá cần càng nhiều nước để "quẫy đạp tạo sóng". Tuy nhiên, cung tiền thấp khiến nhà đầu tư càng cẩn trọng mua bán, tạo ra tình trạng giao dịch lình xình như thời gian gần đây.
Đồng quan điểm, Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng thừa nhận thanh khoản dịp cuối năm lúc nào cũng trở nên khó khăn hơn. Các công ty chứng khoán và ngân hàng phải đưa tỷ lệ tiền về mức an toàn nên càng khó kỳ vọng dòng tiền dồi dào ở thời điểm này.
Vị chuyên gia nói rằng cung tiền thường biến động đồng pha với tăng trưởng GDP danh nghĩa. Cung tiền trong giai đoạn 2020-2021 vẫn lên cao dù tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, được hiểu nôm na là bơm tiền nhiều. Do vậy, cung tiền cho năm 2022 trở nên hạn chế để đảm bảo an toàn cho các chỉ số kinh tế.
Vị chuyên gia cũng quan sát thấy một số giải pháp gỡ rối khi Ngân hàng Nhà nước phát đi những thông điệp hỗ trợ thanh khoản đến Tết nguyên đán, thậm chí có thời điểm hút tiền về do thanh khoản khá tốt và lãi suất qua đêm thấp.