Nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái "chán nản" khiến thanh khoản chứng khoán tụt dốc. Ảnh: Nam Khánh.
Chỉ số VN-Index đã ghi nhận diễn biến điều chỉnh rung lắc với biên độ 15 điểm và lùi về mốc hỗ trợ 1.250 điểm trong tuần vừa qua. Thanh khoản suy yếu qua các phiên, trong khi dòng tiền tuy vẫn có tín hiệu luân chuyển giữa các nhóm ngành nhưng chưa đủ mạnh để tạo động lực cho thị trường.
Tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn thận trọng và việc thiếu dòng tiền dẫn dắt đã dẫn đến tình trạng trầm lắng của thị trường ở giai đoạn này. Xu hướng giao dịch của khối ngoại chủ yếu vẫn thiên về bán ròng, tuy nhiên mức độ đã phần nào hạ nhiệt ở tuần này.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.251,71 điểm, giảm 22,25 điểm (-1,75%) so với tuần trước.
Thiếu động lực
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Trần Đình Minh, chuyên gia phân tích, giảng viên Học viện New World Education, cho biết có 2 nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán trong nước giảm điểm trong tuần vừa qua.
Đầu tiên là tâm lý lo lắng của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ở miền Bắc trước sự ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp ở miền Bắc cũng như đến chỉ số kinh tế của Việt Nam trong tháng 9 này.
Thứ hai, phiên FTD (phiên bùng nổ theo đà) thiết lập vào ngày 16/8 đã xác nhận thị trường thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn và thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do vậy, đây là thời điểm các nhà đầu tư ghi nhận lãi 5-20% chốt lời còn nhóm vào sau thì cắt lỗ.
Mặt khác, tâm lý thận trọng và việc thị trường lình xình khiến các nhà đầu tư ưu tiên cầm tiền mặt hơn để chờ cơ hội mới.
VN-Index liên tục hạ độ cao từ đầu tháng 9. Ảnh: TradingView.
Về tình trạng thanh khoản chứng khoán chạm đáy trong bối cảnh số lượng tài khoán chứng khoán mở mới liên tục tăng, vị chuyên gia cho rằng ngoài 2 nguyên nhân kể trên, việc thiếu dòng tiền lớn từ nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài cũng tạo tác động nhất định. Các yếu tố kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa cũng chưa ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của giới đầu tư.
Theo ông Minh, việc VN-Index vẫn chưa thể bứt phá khỏi vùng 1.200-1.300 điểm nhưng thanh khoản lại giảm mạnh là tín hiệu cho thấy có khả năng thị trường sắp bước vào đợt điều chỉnh. Thông thường sau các giai đoạn thanh khoản sụt giảm, thị trường sẽ có biến động mạnh (tăng mạnh hoặc giảm mạnh).
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích này nghiêng về diễn biến kịch bản tăng điểm, tăng thanh khoản nhiều hơn.
Trong giai đoạn này, ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu hơn là tập trung vào thị trường. Thực tế cho thấy dù thị trường đang điều chỉnh nhưng vẫn nhiều cổ phiểu ở vùng cao và cũng nhiều cổ phiếu điều chỉnh trước thị trường.
“Nhà đầu tư ngắn hạn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu 30-40%, tập trung vào các cổ phiếu mạnh ở vùng cao, các phiên bật tăng là phiên bán chứ không phải phiên mua. Còn nhóm dài hạn đã có vị thế tốt ở các cổ phiếu mạnh thì vẫn nắm giữ bình thường”, ông Trần Đình Minh cho rằng vùng điểm của VN-Index chỉ để xác định nên cầm tỷ trọng cổ phiếu bao nhiêu, quan trọng vẫn là đang cầm cổ phiếu nào.
Hiện tại VN-Index vẫn đang đi ngang quanh vùng 1.200-1.300 điểm. Trong ngắn hạn, mốc hỗ trợ gần nhất là 1.245 điểm, nếu bị xâm phạm thì thị trường nhiều khả năng quay về ngưỡng 1.200-1.225 điểm. Ngược lại, kháng cự gần nhất là 1.265 điểm và 1.290 điểm.
Sắp đón loạt xáo trộn về vĩ mô
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại Chứng khoán VNDirect, thị trường tiếp tục trải qua một tuần giao dịch trầm lắng, điều này phản ánh sự thận trọng trước những diễn biến vĩ mô quan trọng như kỳ họp lãi suất sắp tới của Fed diễn ra vào giữa tuần này với dự báo Fed có tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu trong năm nay. Thị trường sẽ chờ xem phản ứng của Ngân hàng Nhà nước sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed.
Bên cạnh đó, cơn bão Yagi lớn nhất trong hàng chục năm qua đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.
Đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại Chứng khoán VNDirect
Ông Hinh vẫn giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ hàng loạt yếu tố vĩ mô hỗ trợ.
Trước hết, Fed dự kiến hạ lãi suất điều hành khoảng 0,75 điểm % trong những tháng cuối năm. Áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt cũng giúp Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp.
Ngoài ra, thị trường cũng được thúc đẩy khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có xu hướng tiếp tục cải thiện và những tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường.
“Kinh nghiệm quá khứ cho thấy đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng”, ông Đinh Quang Hinh nhận định.
Vị chuyên gia cho rằng VN-Index đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm và nhà đầu tư nên tận dụng giai đoạn này để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.