Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 diễn ra sáng 14/3, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022.
Nhưng đến ngày 29/2 năm nay, tín dụng toàn nền kinh tế lại giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Dù vậy, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).
Lãnh đạo NHNN cho biết mức giảm tín dụng hiện nay ghi nhận ở hầu hết ngành, lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, có 2 lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng, đó là tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng hơn 0,2% so với cuối năm 2023 và tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán tăng hơn 2,5%.
Ngân hàng thận trọng cho vay
Theo ông Tú, nguyên nhân tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm do kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp; chênh lệch lãi suất USD-VND... Những yếu tố này đã tác động tiêu cực lên sự ổn định của tỷ giá VND/USD trong nước, nhất là khi lãi suất VND dự kiến tiếp tục giảm.
"Ngoài ra, còn xuất phát từ những khó khăn trong việc cấp tín dụng như yếu tố thời vụ. Nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán dẫn tới 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng", lãnh đạo NHNN lý giải.
Bên cạnh đó, ông Tú cho rằng cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động không có nhu cầu vay vốn, người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu...
"Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp. Việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng còn nhiều khó khăn", lãnh đạo NHNN nhìn nhận.
Về nguyên nhân chủ quan, Phó thống đốc cho biết một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.
Ngoài ra, một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.
"Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn", ông Tú nói.
Theo ông, việc huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường thị trường trái phiếu, bất động sản chưa được giải quyết triệt để... khiến nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.
Sẽ sửa đổi, kéo dài nhiều chính sách hỗ trợ
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó thống đốc cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Chẳng hạn như kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm nay; hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16; sửa đổi đồng bộ các thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
NHNN sẽ từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay
Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú
Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Công an, sử dụng dữ liệu của Đề án 06 để tạo thuận lợi cho vay tiêu dùng, hạn chế "tín dụng đen". Phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ ngành có liên quan triển khai gói 120.000 tỷ đồng, chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, ông Tú cho biết sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như bất động sản, xăng dầu, dự án, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn...
"Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, tập trung giám sát chất lượng tín dụng, cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan, nhóm khách hàng lớn; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…", lãnh đạo NHNN cho biết.
Theo ông, các doanh nghiệp cũng cần thực hiện tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính, phối hợp với ngân hàng thành mối quan hệ cộng sinh… để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.