Trong 2 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng đã giảm 1,12% so với cuối năm ngoái. Như vậy, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tiếp tục đi lùi thêm 0,52 điểm % trong tháng 2.
Theo số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra chiều 2/3, tính đến ngày 22/2, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm 1,12% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ, chỉ số này tăng 0,71%.
Trước đó, số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết dư nợ tín dụng trong toàn nền kinh tế cũng đã giảm 0,6% trong tháng 1. Như vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục ghi nhận xu hướng đi lùi trong tháng 2 vừa qua.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong một thập niên gần nhất số dư tín dụng toàn nền kinh tế mới ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm. Lần gần nhất diễn biến này được ghi nhận là vào năm 2014, khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng 2 tháng đầu năm cũng ở mức âm 1,16%.
Lý giải vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN đặt ra cho các ngân hàng là 15% và đã giao hết một lần ngay từ đầu năm. Đây là cơ sở để giao chỉ tiêu phân bổ công khai cho từng tổ chức tín dụng.
Theo Phó thống đốc Hà, việc tăng trưởng tín dụng vẫn âm trong 2 tháng đầu năm chủ yếu do tính mùa vụ. Trong đó, tăng trưởng tín dụng tháng 12/2023 lên tới 4,35%, trong khi tháng 1 và 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng giảm do nhu cầu vay vốn giảm.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng còn bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới chưa khởi sắc, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam phục hồi chậm, gây ảnh hưởng đầu ra cho hoạt động xuất khẩu. Về phía các ngân hàng, lãnh đạo NHNN khẳng định không thiếu tiền để cho vay và thanh khoản hệ thống luôn trong trạng thái dồi dào.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, ông Hà cho biết ngay từ đầu năm, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp như yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để thúc đẩy tín dụng...
Phó thống đốc cho biết thêm để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu, cần sự phối hợp đồng bộ các chính sách, đồng thời doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, minh bạch và tăng cường năng lực tài chính để đáp ứng điều kiện về cho vay của ngành ngân hàng.
Cũng tại phiên họp hôm nay, lãnh đạo Chính phủ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 2 tháng đầu năm đã tăng 3,67% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 2,84%.
Về thu, chi ngân sách Nhà nước, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt 399.400 tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi ngân sách ước đạt 260.700 tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, tăng 7,7%.
Đối với đầu tư phát triển, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 29/2 là khoảng 60.000 tỷ đồng, đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng giao, trong khi cùng kỳ đạt 6,97% kế hoạch.
Tính đến ngày 20/2, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ.