Trẻ em là nhóm cần được tiêm vaccine đầy đủ. Ảnh: BVCC.
Chị P.V.A., 32 tuổi, ngụ TP.HCM, bị mèo nhà cắn nên đến đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để tiêm vaccine dại. Theo phác đồ, chị A. sẽ tiêm 5 mũi phòng bệnh dại. Bệnh dại vốn không có thuốc đặc trị. Một khi dại phát triệu chứng, gần như 100% người bệnh không qua khỏi.
Nhưng khi được tiêm huyết thanh hoặc vaccine phòng bệnh, người từng phơi nhiễm với dịch tiết, có vết thương do động vật gây ra sẽ có cơ hội "thoát cửa tử".
Không chỉ riêng bệnh dại, vaccine ra đời một phát minh vĩ đại của y học, giúp con người vượt qua vô số bệnh, đưa những loại virus truyền nhiễm vốn tàn khốc đi vào quá khứ.
Sứ mệnh của vaccine
Theo TS.BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, vaccine được xem là một phát minh vĩ đại của y học, tương quan với việc phát hiện ra kháng sinh. Nếu như kháng sinh gắn liền với giai đoạn điều trị bệnh, vaccine giúp cho người dân phòng ngừa bệnh từ sớm.
Năm 1796, bác sĩ Edward Jenner là người đầu tiên nghiên cứu ra vaccine phòng bệnh đậu mùa. Từ bước đột phá này, y học không ngừng tiến bộ về sau đã cho ra đời nhiều loại vaccine phòng ngừa đa dạng bệnh khác nhau.
Lý giải thêm về cơ chế giúp vaccine có hiệu quả trong việc phòng bệnh, bác sĩ Luân cho biết trong cơ thể con người có 2 loại miễn dịch gồm miễn dịch bẩm sinh (miễn dịch không đặc hiệu) và miễn dịch thích nghi (miễn dịch đặc hiệu).
Miễn dịch bẩm sinh tồn tại từ khi con người ra đời, có khả năng ngăn chặn các tác nhân gây hại nhưng lại không có tính trí nhớ đặc hiệu riêng cho từng virus, vi khuẩn khác nhau.
Trong khi đó, miễn dịch thích nghi là loại miễn dịch được “huấn luyện” mỗi lần cơ thể gặp vi sinh vật gây bệnh nên có tính ghi nhớ. Chúng giúp cơ thể sản sinh ra các kháng thể và tế bào miễn dịch chuyên biệt để chống lại tác nhân gây hại ở lần gặp mặt tiếp theo. Tiêm vaccine chính là cách để con người tạo ra miễn dịch thích nghi một cách chủ động cho cơ thể.
Tuy nhiê, một số người có quan niệm thay vì tiêm vaccine, hãy để cơ thể tự mắc bệnh và tự sản sinh ra kháng thể phục hồi. Chia sẻ thêm về quan điểm này, bác sĩ Luân nhận định so với việc tiêm vaccine, người bệnh tự mắc bệnh có thể phải đối diện với rủi ro: thời gian bệnh kéo dài, bệnh nặng dễ biến chứng nguy hiểm, chi phí điều trị tốn kém và dễ lây lan cho người khác.
Nếu từng tiêm vaccine phòng bệnh trước đó, người tiếp xúc với mầm bệnh sẽ không mắc hoặc chỉ mắc bệnh nhẹ, nhanh khỏi, đồng thời nguy cơ biến cố ngoài ý muốn cũng sẽ thấp hơn.
Về phần chi phí, mức giá của tiêm vaccine được đánh giá ở mức hợp lý hơn rất nhiều so với chi phí điều trị bệnh và những tổn thất xung quanh gây ra do bệnh.
Tiêm vaccine không thừa
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng khi còn là bào thai đến lúc chào đời, trẻ đã tiếp nhận kháng thể thụ động từ người mẹ thông qua nhau thai và sữa mẹ. Tuy nhiên, để được củng cố trí nhớ miễn dịch, trẻ cần được tiêm vaccine để hệ miễn dịch có thể “học” cách chủ động chống lại virus, vi khuẩn trong môi trường.
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải thích cho người bệnh trước khi tiêm vaccine. Ảnh: BVCC.
Đến tuổi trưởng thành, nhu cầu giao tiếp nhiều, đi lại nhiều nơi, làm người lớn tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, hệ miễn dịch cần có thêm vaccine phù hợp cho từng độ tuổi khác nhau để thêm khả năng phòng bệnh. Đặc biệt ở người lớn tuổi và mắc bệnh mạn tính, hệ miễn dịch suy yếu rất cần được tiêm vaccine để nhắc nhớ lại.
"Như vậy, việc tiêm vaccine là trọn đời để có thể bảo vệ sức khoẻ của chúng ta dù ở bất kỳ độ tuổi nào", bác sĩ Minh nói.
Thêm nữa, vaccine cũng giống như một thành phần kháng nguyên đưa vào cơ thể để hệ miễn dịch nhận diện và kích hoạt tế bào miễn dịch hoạt động. Trong cơ thể con người có 2 tế bào quan trọng trong việc nhận diện kháng nguyên để sản xuất ra kháng thể là tế bào lympho T và lympho B. Tuy 2 loại tế bào này có khả năng ghi nhớ nhưng sẽ tùy thuộc vào từng loại kháng nguyên lạ khác nhau và thời điểm tiếp xúc với kháng nguyên.
Theo thời gian, hệ miễn dịch cần được “nhắc lại” thông qua vaccine để tăng cường khả năng ghi nhớ. Vì vậy, việc tiêm nhắc lại vaccine là điều cần thiết và quan trọng để chúng ta được bảo vệ một cách trọn vẹn.
Với sự phát triển của các phương tiện di chuyển, việc người dân đi từ địa phương này sang địa phương khác, quốc gia này sang quốc gia khác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Do đó, việc mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác không chỉ thu nhỏ ở phạm vi một gia đình, một địa phương mà có thể lan rộng sang cộng đồng thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế của nhiều nước hiện nay cũng khuyến cáo những người chuẩn bị đi du học, du lịch, định cư đều cần tiêm vaccine để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.