Giá vàng thế giới giảm đáng kể do đồng USD tăng giá, nhưng vẫn duy trì được mốc chủ chốt 1.800 USD/oz. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (29/12) đi ngang hoặc tăng, chênh giá vàng thế giới gần 16 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 65,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,6 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và đi ngang ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,75 triệu đồng/lượng và 53,6 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65,9 triệu đồng/lượng và 66,7 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa nay đứng ở 1.808,2 USD/oz, tăng 2,8 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Tư tại thị trường Mỹ. Trong phiên New York đêm qua, giá vàng giảm 9,4 USD/oz, tương đương giảm 0,5%, còn 1.805,4 USD/oz.
Mức giá mới nhất của vàng thế giới tương đương 51,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 15,8-15,9 triệu đồng/lượng.
Những ngày gần đây, giá vàng miếng trong nước nhìn chung không theo sát diễn biến của giá vàng thế giới, thậm chí nhiều lúc “lệch pha” với giá quốc tế. Giới kinh doanh vàng nói rằng đó là do tình hình nhu cầu vàng trong nước cuối năm biến động nhiều hơn.
Giá vàng thế giới chịu áp lực giảm giá khi tỷ giá đồng USD tăng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng lên ngưỡng 104,4 điểm trong phiên New York đêm qua, từ mức 104,3 điểm của phiên trước. Sáng nay, chỉ số lại giảm dưới 104,3 điểm.
Giá vàng đang cùng lúc chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, gồm diễn biến tỷ giá đồng USD, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và tình hình ở Trung Quốc sau khi nước này tiếp tục nới lỏng các hạn chế chống Covid-19.
Sự giằng co của các yếu tố này khiến giá vàng bị ghìm quanh ngưỡng 1.800 USD/oz thời gian gần đây, gần như “về mo” nếu so với mức giá của thời điểm đầu năm. Hôm thứ Ba, giá vàng tăng lên mức cao nhất 6 tháng nhờ lạc quan rằng việc Trung Quốc nới Zero Covid sẽ đưa nhu cầu tiêu thụ vàng của nước này tăng mạnh trở lại.
Tuy nhiên, kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 và duy trì lãi suất ở đỉnh trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát tiếp tục gây áp lực giảm lên giá vàng, khiến giá vàng khó bứt phá.
Hôm thứ Ba, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng hơn 5 tấn vàng, nâng mức nắm giữ lên hơn 918,5 tấn vàng.
Gần đây, một số chuyên gia đã đặt ra những kịch bản giá vàng tăng “nóng” trong 2023, một số khác dự báo mức tăng hạn chế.
Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Ole Hansen dự đoán giá vàng giao ngay có thể vượt quá 3.000 USD/oz trong năm 2023, cao hơn khoảng 67% so với mức giá hiện tại. Ông Hansen đưa ra ba lý do cho dự báo này, bao gồm “tâm lý kinh tế thời chiến ngày càng tăng” khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn; các nước đầu tư lớn vào các ưu tiên an ninh quốc gia mới; và thanh khoản tăng lên trên toàn cầu khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng để xảy ra làn sóng các cuộc vỡ nợ khi suy thoái kinh tế xuất hiện.
Trong khi đó, theo công ty phân tích thị trường hàng hóa toàn cầu CRU, giá vàng sẽ tăng trong năm 2023 nhưng mức tăng đột biến như vậy khó có thể xảy ra. Ông Kirill Kirilenko, nhà phân tích cấp cao tại CRU, nói với hãng tin CNBC: “Kỳ vọng về giá của chúng tôi vừa phải hơn nhiều”.
Ông nói: “Một Fed bớt cứng rắn hơn có khả năng dẫn đến đồng USD yếu hơn, điều này có thể mang lại cho vàng một đợt phục hồi vào năm tới, nâng giá lên gần 1.900 USD/oz”. Tuy nhiên, ông Kirilenko nhấn mạnh rằng tất cả phụ thuộc vào các động thái Fed, cho rằng bất kỳ dấu hiệu nào về một sự cứng rắn gia tăng từ Fed đều có thể gây áp lực giảm giá vàng.