"Hôm nay, tôi chia sẻ một số thay đổi khó khăn nhất công ty đã thực hiện trong lịch sử Meta", CEO Meta Mark Zuckerberg viết trong email gửi nhân viên ngày 9/11. "Tôi quyết định giảm quy mô 13% và phải để hơn 11.000 nhân viên tài năng ra đi. Công ty đang thực hiện một số bước bổ sung để trở nên gọn gàng và hiệu quả hơn bằng cách giảm chi tiêu và kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng".
Meta có hơn 87.000 nhân viên tính đến cuối tháng 9.
Có rất nhiều lý do khiến Mark Zuckerberg cảm thấy ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đưa ra thông báo gây tranh cãi này, theo Guardian.
Đánh giá nhầm xu hướng
Zuckerberg nói rằng công ty đứng sau Facebook đã mở rộng quá mức.
Giống như nhiều đối thủ cạnh tranh khác, Meta từng tin rằng sự gia tăng hoạt động trực tuyến trong đại dịch Covid-19 là một sự thay đổi vĩnh viễn.
Trước đó, mọi người buộc phải chuyển sang sàn thương mại điện tử, trò chuyện qua video và chơi trò chơi trực tuyến vì họ không thể rời khỏi nhà. Và ngay cả khi các hạn chế được dỡ bỏ, nhiều người cho rằng họ vẫn sẽ tiếp tục chọn sống theo cách này.
Vì vậy, khi doanh thu của Meta tăng mạnh, công ty đã đầu tư theo xu hướng trên. Meta tuyển dụng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch, với 27.000 nhân viên trong năm 2020 và 2021, cùng 15.344 vào 9 tháng năm nay.
Thế nhưng, dù lối sống không trở lại như cũ vào đầu năm 2020, chúng cũng không hoàn toàn thay đổi.
Khi việc phong tỏa được dỡ bỏ và các hoạt động xã hội, trao đổi gặp mặt quay trở lại, doanh thu của Meta giảm xuống, khiến công ty với hơn 87.000 nhân viên bị ảnh hưởng về tài chính.
Những yếu tố khác
Có nhiều lý do khác được đưa ra bởi Zuckerberg trước thông báo cắt giảm việc làm.
“Suy thoái kinh tế vĩ mô” rộng hơn tác động đến tất cả cổ phiếu công nghệ. Trong mắt các nhà đầu tư, những người đang đối mặt với sự kết thúc của chính sách lãi suất bằng 0 ở phương Tây, lợi nhuận hiện tại bắt đầu được quan tâm hơn là sự tăng trưởng trong tương lai.
“(Bên cạnh đó), cạnh tranh đang gia tăng”, CEO Meta cho biết.
Zuckerberg không nêu tên đối thủ cạnh tranh của Facebook. Nhưng rõ ràng ông đề cập đến sự cạnh tranh từ TikTok, một ứng dụng đang ngày càng phổ biến, “lấy mất" người dùng của Facebook, đặc biệt là giới trẻ.
Khi tốc độ tăng trưởng của 3 “ông lớn” (Facebook, Instagram, WhatsApp) thuộc Meta bị đình trệ vào năm 2021, TikTok đạt một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng nhanh hơn bất kỳ ứng dụng xã hội nào, theo The Verge.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà quảng cáo đang chuyển ngân sách từ Facebook sang TikTok.
Vào tháng 10, Meta đã báo cáo lợi nhuận giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, theo New York Times.
Meta còn tổn hại lớn hơn khi phần lớn dữ liệu nhắm mục tiêu quảng cáo mà công ty thu thập trong nhiều năm dần mất bởi sự thay đổi chính sách của Apple.
Trong quý II năm 2021, Apple đã ra mắt Tính năng minh bạch theo dõi ứng dụng (ATT), yêu cầu các ứng dụng bao gồm Facebook và Instagram phải có sự cho phép của người dùng trước khi theo dõi hoạt động của họ. Theo Wall Street Journal, chỉ 16% cho phép ứng dụng của Meta theo dõi.
Do đó, quảng cáo trên Facebook và Instagram gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm những người dễ tiếp nhận và đối với các doanh nghiệp, chi phí quảng cáo cần thiết để tìm kiếm khách hàng mới trên nền tảng này tăng lên. Tăng trưởng doanh thu quảng cáo của Meta bắt đầu giảm vào đúng quý mà Apple triển khai ATT.
Metaverse
Bên cạnh đó, còn có một vấn đề khác được Wall Street Journal liên tục trích dẫn như nguyên nhân đáng lo ngại nhưng đã “vắng mặt” trong lời giải thích của người sáng lập Facebook.
Đó là khoản đầu tư khổng lồ của công ty vào tầm nhìn “metaverse” - thế giới ảo kết hợp với mạng xã hội, game online, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) và loại tiền lưu thông như tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số. Tại đó, mọi người tụ tập trong thế giới ảo để giao lưu, làm việc và giải trí.
Chỉ trong năm 2021, Meta đã chi hơn 12 tỷ USD cho Reality Labs - bộ phận chịu trách nhiệm phát triển metaverse, nhưng chỉ nhận 1/6 trong số đó từ một số ít sản phẩm có thể tạo ra doanh thu, bao gồm tai nghe Meta Quest và nền tảng thực tế ảo Horizon Worlds.
Những khoản lỗ đó đang tăng lên. Vào năm 2019 Reality Labs lỗ 4,5 tỷ USD với doanh thu 500 triệu USD, và vào năm 2020 lỗ 6,6 tỷ USD với 1,1 tỷ USD doanh thu.
Đáng nói, công ty thừa nhận "những khoản lỗ sẽ tăng lên đáng kể”. Hôm 26/10, Meta cho biết tổng chi phí hoạt động trong năm nay là 85-87 tỷ USD. Bước sang năm sau, chi phí có thể lên tới 96-101 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, các cổ đông của Meta đang hoảng sợ. Brad Gerstner, người sáng lập Altimeter Capital, một cổ đông lâu năm của công ty, đã viết một bức thư ngỏ cho Zuckerberg vào tháng 10, kêu gọi ông thu hẹp quy mô một cách triệt để.
“Khoản đầu tư ước tính hơn 100 tỷ USD vào một tương lai không xác định là siêu quy mô và đáng sợ, ngay cả theo tiêu chuẩn của Thung lũng Silicon… Chúng tôi nghĩ rằng công ty Meta nên giới hạn các khoản đầu tư Metaverse không quá 5 tỷ USD/ năm với mục tiêu và thước đo thành công tách biệt hơn".
Nhưng Zuckerberg dường như không quan tâm. Metaverse - ưu tiên chiến lược hàng đầu của ông đến nỗi chỉ hơn một năm trước, ông đã đổi tên toàn bộ công ty theo tên nó - chỉ được đề cập qua trong lá thư thông báo cắt giảm nhân sự.
“Chúng tôi đang chuyển nhiều nguồn lực hơn sang một số lĩnh vực tăng trưởng có mức độ ưu tiên cao hơn, như công cụ khám phá AI, quảng cáo và nền tảng kinh doanh cũng như tầm nhìn dài hạn của chúng tôi đối với Metaverse”.
Guardian đánh giá Meta dường như đang bỏ qua động lực lợi nhuận, cắt giảm nhân sự, để tài trợ cho khoản đầu tư hàng triệu tỷ USD vào một tương lai không chắc chắn.
Có vẻ như Facebook không phải là công ty mà Mark Zuckerberg muốn điều hành nữa.
“Mỗi ngày bạn thức dậy và cảm giác như bị đấm vào bụng”, ông nói về trải nghiệm dẫn đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới. Metaverse có thể là thời gian nghỉ ngơi của ông - ngay cả khi ông ấy phải tạo dựng tương lai mới từ chính “xương máu” của công ty mà ông gây dựng.