Tiếp nối diễn biến tích cực hôm qua, chứng khoán trong nước có nền tảng để tiếp tục tăng điểm mạnh trong phiên 17/1. Dòng tiền mua đuổi ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như Vingroup, thép, ngân hàng đã lan rộng ra nhiều nhóm khác.
VN-Index với động lực mạnh từ dòng tiền ngoại vẫn tiếp tục đi lên mạnh mẽ từ khi mở cửa phiên sáng và tăng thêm độ cao về cuối ngày, thậm chí sắc tím vẫn hiện diện ở nhiều mã có thông tin tích cực.
Kết phiên giao dịch, chỉ số đại diện sàn HoSE tăng thêm 26,36 điểm (2,8%) lên 969,26 điểm. HNX-Index cũng nối tiếp đi lên 4,41 điểm (2,4%) đạt 187,86 điểm.
Đóng góp chủ lực nhất cho thị trường đến từ nhóm Vingroup khi đồng loạt bứt phá lên quanh giá tối đa. Riêng mã VIC tăng trần lên 64.600 đồng là mã có tác động lớn nhất kéo gần 4 điểm cho thị trường.
Bên cạnh đó, VHM của Vinhomes cũng lên sát giá trần với mức tăng 6,8% đạt 47.950 đồng và VRE của Vincom Retail tăng hết biên độ đạt 28.400 đồng. Tổng đóng góp của nhóm này là hơn 8,3 điểm vào chỉ số chung.
Đà đi lên bất ngờ của nhóm Vingroup đến sau thông tin hãng sản xuất xe điện VinFast dự định phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ ngay tháng 1/2023. Ước tính đợt IPO có thể huy động ít nhất 1 tỷ USD, tùy thuộc vào tình hình lãi suất.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho phiên tăng điểm tiếp theo này. Trong đó, VCB của Vietcombank dẫn đầu với mức tăng 1,9% lên 76.500 đồng, qua đó đóng góp 1,6 điểm tăng. Ngoài ra còn có nhiều mã đã lên quanh giá trần như LPB, NVB, STB hay SHB.
Cổ phiếu ngành thép cũng giao dịch thăng hoa sau giai đoạn chạm đáy. Các mã hàng đầu như HPG, HSG, NKG, SMC, POM, TLH, TVN đều được nhà đầu tư tranh mua tại giá trần.
Cổ phiếu dầu khí với đầu tàu GAS đi lên 2,3% đạt 119.700 đồng, OIL và PLX tăng hết biên độ cho phép. Bên cạnh đó còn nhiều mã liên quan PXI, PFL, PXT, PXS... tăng trần sau thông tin nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chạy thử thành công.
Cổ phiếu bán lẻ cũng duy trì được trạng thái tích cực. Trong đó dẫn đầu là MSN của Masan Group đi lên sát giá trần với mức tăng 6,7% đạt 97.000 đồng, bên cạnh MWG của Thế giới di động tăng 3,3%, PNJ tăng 3,1%...
Ở chiều ngược lại, bộ đôi cổ phiếu bất động sản lớn NVL và PDR vẫn nằm sàn đang gây tác động rất tiêu cực không chỉ cho cổ đông mà còn ảnh hưởng nặng đến tâm lý thị trường chung.
Trong đó, NVL của Novaland rơi về 31.400 đồng và còn gần 48 triệu cổ phiếu chất bán sàn. PDR của Phát Đạt có hơn 95 triệu cổ phiếu đặt bán tại giá sàn 19.700 đồng. Đây đều đã là chuỗi giảm sàn hơn chục phiên của 2 mã này.
Phần nhiều cổ phiếu bất động sản đã khởi sắc trở lại nhưng cũng còn một số mã diễn biến tiêu cực. Ngoài NVL và PDR, nhóm này còn chứng kiến NBB, SJS hay HPX vẫn bị bán sàn mạnh mẽ.
Trong khi đó, cổ phiếu EIB của Eximbank bất ngờ được "giải cứu" ngay trước giờ đóng cửa khi có thanh khoản trở lại, khớp gần 51 triệu đơn vị. Mã EIB khi kết phiên vẫn nằm ở giá sàn 18.150 đồng nhưng đã có lệnh mua đối ứng.
Ngân hàng này đã có văn bản giải trình việc cổ phiếu liên tục giảm sàn là do cung cầu thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát. Eximbank khẳng định vẫn hoạt động bình thường với kết quả 9 tháng đầu năm tăng trưởng tốt nên biến động giá không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Độ rộng của thị trường chung vẫn nghiêng hoàn toàn về bên mua với sắc xanh áp đảo. Toàn sàn có 800 mã tăng giá (trong đó 230 mã tăng trần) so với chỉ 166 mã giảm giá trong phiên.
Thanh khoản thị trường không còn cao đột biến như hôm qua nhưng vẫn trên mức trung bình gần đây với tổng giá trị 12.616 tỷ đồng, giảm 23% so với hôm qua.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn là động lực quan trọng giúp cho dòng tiền luân chuyển tích cực. Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh hơn 1.500 tỷ đồng và đã là phiên mua ròng thứ 9 liên tiếp với tổng giá trị gần 9.200 tỷ đồng.
Các mã được khối ngoại gom mạnh trong hôm nay vẫn là STB của Sacombank (301 tỷ), HPG của Hòa Phát (203 tỷ) và ngoài ra còn gom trăm tỷ đồng tại các mã KDH, CTG, VHM và SSI. Cổ phiếu bị bán ròng có MBB (-61 tỷ) hay tiếp theo là chứng chỉ quỹ FUESSVFL (-17 tỷ).