Tham luận tại Diễn đàn “Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” vừa diễn ra, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã cho thấy những khó khăn rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đều chung nhận định về tình trạng suy giảm đáng kể của tổng cầu.
Từ bối cảnh đó, Viện trưởng CIEM đề xuất nhóm 4 giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Hiện phần lớn các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu, còn chưa hiểu biết đầy đủ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định mới ở các thị trường xuất khẩu. Tăng cường đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm về các “điển hình tốt” với các doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt là nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước để khai thác tốt hơn trên chính “sân nhà” của mình.
Thứ hai, Chính phủ cần mở rộng không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới trên tinh thần sớm nhất có thể, bền vững nhất có thể. Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm,… trong khi bản thân các mô hình này còn tương đối mới và thiếu khá nhiều thông tin, số liệu để thực hiện đánh giá tác động chính sách một cách bài bản. Chính ở đây, tư duy tích cực về cơ chế thử nghiệm phát triển các ngành này, đi kèm với tham vấn chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp, sẽ là yêu cầu quan trọng.
Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với doanh nghiệp cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Thứ tư, phát động chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, năng suất lao động cần được nhìn nhận theo nghĩa rộng, thay vì chỉ tập trung vào đào tạo kỹ năng cho người lao động. Chính ở đây, việc rà soát, tháo gỡ các quy định gây khó khăn, các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, nếu không nói là then chốt, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh. Ở một chừng mực khác, năng suất lao động quốc gia cũng phụ thuộc vào chính các nỗ lực nhằm cải thiện động lực và chất lượng việc làm ở khu vực công. Công tác xây dựng và tổ chức thực thi chính sách cần chú trọng hiệu quả và bảo đảm đủ nguồn lực thực thi. Đặc biệt, công tác ấy phải phát huy được sự chủ động, sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân, tránh tâm lý chỉ “cầu toàn”, chỉ “làm cho xong” nhiệm vụ được giao.