Cơ hội lớn cho công nghiệp điện tử
Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới một lần nữa được các chuyên gia và tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng HSBC đã khẳng định trong các báo cáo phân tích của mình.
Báo cáo mới nhất với tựa đề "Lấy lại hào quang chiến thắng", Ngân hàng HSBC nhận định, với xuất phát điểm chỉ là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị gia tăng thấp, đến nay Việt Nam đã dần trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho hay: "Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử, linh kiện điện thoại di động. Sản xuất điện thoại và linh kiện tăng trưởng khá nhanh và hiện chúng ta đang chiếm thị phần là 13%".
Báo cáo HSBC cũng nhấn mạnh, sự thành công của Samsung và Intel tại Việt Nam đã kéo theo các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác cũng đẩy nhanh quá trình chuyển hướng chuỗi cung ứng sang Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng, mở rộng xưởng sản xuất.
Theo thông tin từ trang AJU Business Daily của Hàn Quốc, Công ty LG Display thuộc Tập đoàn LG dự kiến sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư từ các ngân hàng trong và ngoài nước để mở rộng dây chuyền sản xuất màn hình OLED và xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy của họ ở Việt Nam.
Trước đó, tháng 2/2022, Tập đoàn điện tử Samsung hàng đầu của Hàn Quốc thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam.
Trong khi đó, tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản đầu tháng 6 cho biết, Apple đang dịch chuyển hoạt động sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc, hướng đến Việt Nam. Đài DW của Đức đưa tin các công ty, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, đang đầu tư rất lớn vào Việt Nam.
Theo nhiều đánh giá, các công ty toàn cầu như Apple đang chuyển hoạt động sản xuất đến Việt Nam chủ yếu do lương nhân công ở Trung Quốc cao và cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng.
Ngoài ra, Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ trên bình quân đầu người lớn hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới và ngành sản xuất có tính cạnh tranh. Việt Nam cũng có hệ thống đường biển dễ dàng cho việc xuất khẩu, yếu tố khiến nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) và châu Á ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Rõ ràng, sự có mặt của các đại gia công nghệ đã góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển, trước tiên trên khía cạnh đóng góp cho xuất khẩu. Con số chắc chắn sẽ tăng nhanh, nếu các kế hoạch mở rộng đầu tư của LG Display, Apple,… được thực hiện đúng dự kiến.
Hình thành mạng lưới doanh nghiệp nội địa tiềm năng
Tuy nhiên, một thực tế không quá khó để nhận ra, mặc dù Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng có đến khoảng 95% giá trị thuộc khối doanh nghiệp FDI. Chính vì vậy, phát triển ngành công nghiệp điện tử cần tạo bước đột phá để phát triển.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Đón đầu xu hướng, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, với Hàn Quốc đã phối hợp xây dựng nên Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK).
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã hợp tác với Samsung Việt Nam triển khai nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. “Trong đó, có Chương trình hợp tác với Samsung đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực nghiệp hỗ trợ; Chương trình “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhằm nâng cao tính chủ động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu”- ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.
Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, Cục Công nghiệp cho rằng, cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước.
Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua Philippines và Singapore vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD. Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới.