Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, bình luận với MarketTimes, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định có thể nói Việt Nam hiện nay có hệ thống quản lý đất đai vào loại phức tạp nhất thế giới, chia nhỏ mục đích sử dụng, giá đất chia rất nhỏ.
Theo Giáo sư Võ, tại các quốc gia khác giá đất chỉ có đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đất phi nông nghiệp dùng làm gì thì tùy nhà đầu tư cân nhắc vào nhu cầu thị trường, nhà đầu tư có quyền lựa chọn làm gì cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nếu là đất xây dựng thì phải mua quyền phát triển thì được đầu tư theo đúng quy hoạch.
Bên cạnh đó, tại các thị trường phát triển cũng được cho phép mua bán quyền phát triển trên thị trường, nhà đầu tư có thể hưởng lợi nhuận từ việc giữ quyền phát triển, mọi quan hệ được dùng cơ chế thị trường để quản lý.
Trong khi đó, theo Giáo sư Võ hiện Việt Nam dường như lại kiểu quản lý bao cấp, chia nhỏ, cho phép làm cái gì mới được làm, chia nhỏ để mỗi cái nhỏ chuyển sang nhau cũng phải xin phép, nếu được phép mới được làm.
“Hệ thống chính sách về đất đai của chúng ta đang đi loanh quanh, quy hoạch rồi lại điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích các loại sang nhau phức tạp lại có những loại bất động sản trên đất nhưng chưa được định nghĩa đang làm cho hệ thống quản lý rất phức tạp”, Giáo sư Võ nhận định.
Lý phải cho sự tồn tại của hệ thống chính sách quản lý đất đai có phần phức tạp và liên tục phải sửa đổi các quy định liên quan như vừa qua theo Giáo sư Võ do quá trình quản lý phức tạp có lý của nó, nếu đơn giản quá thì các nhà đầu tư có thể cũng không “thân mật” với các cơ quan quản lý lắm.
Lấy dẫn chứng về việc quản chính sách trả tiền thuê đất phát triển dự án, Giáo sư Võ cho biết tại các nước, nếu ai đó trả tiền thuê đất hàng năm thì giá thuê sẽ được tính theo thời giá.
Nếu trả một lần tại thời điểm đầu tiên cho cả thời hạn thuê đất thì phải tính ra tổng giá thành của 50 năm nộp cho nhà nước, bao gồm cả lạm phát với hệ số tiêu chuẩn, tất cả đều có có công thức để tính nếu nộp ngay một lần là bao nhiêu tiền.
Còn nếu trả một lần được sử dụng lâu dài như đất ở thì các nước thường sẽ tính thuế rất cao, cao đến mức sau 50 năm thu thuế bằng với tiền phải nộp tiền thuê đất chu kỳ mới. Lựa chọn vô thời hạn cũng được nhưng thuế sẽ cao hơn, năm thứ 51 phải nộp ra một chu kỳ mới, không phân biệt trả tiền một lần, mua đứt hay như thế nào.
Theo Giáo sư Võ, hoàn toàn có thể để nhà đầu tư hoặc người dân có quyền lựa chọn, kiểu nào có thuế kiểu đó, đồng tiền đưa vào là như nhau, nếu ít tiền có thể nộp một lần hoặc nhiều lần nhưng cuối cùng số tiền thuế đất phải nộp là tương đương trên cơ sở có tính đến các yếu tố lạm phát và trượt giá.