Theo công bố mới đây của nhà cung cấp thông tin chuyên sâu và dữ liệu du lịch hàng đầu thế giới OAG, đường bay Hà Nội - TP HCM (Việt Nam) là đường bay nội địa bận rộn thứ hai thế giới - báo cáo công bố cho tháng 10 năm nay.
Theo đó, đường bay đến và đi từ Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (mã SGN) và Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (HAN) vận chuyển 1.014.597 chỗ. Trong khi đó, đường bay nội địa Jeju (Sân bay Quốc tế Jeju, CJU) - Seoul (Sân bay Quốc tế Gimpo, GMP) của Hàn Quốc đứng đầu trong danh sách báo cáo tháng này của OAG. Đường bay trong nước Hàn Quốc ghi nhận vận chuyển 1.385.349 chỗ.
Hà Nội - TP HCM (Việt Nam) là đường bay nội địa bận rộn thứ hai thế giới. Ảnh: OAG.
Theo đánh giá của OAG, đường bay nội địa bận rộn nhất toàn cầu Jeju (CJU) - Seoul (GMP) có công suất đã tăng 7% so với tháng trước. Hà Nội (HAN) - Thành phố Hồ Chí Minh (SGN) đã vươn lên trở thành đường bay nội địa nhộn nhịp thứ hai với hơn một triệu chỗ và công suất tăng 6% so với tháng trước.
Từ vị trí thứ 465 trên thế giới ở thập niên trước, tuyến Hà Nội – TP HCM đã có sự phát triển ngoạn mục và lấn dần vào top 10 các đường bay bận rộn nhất thế giới. Đường bay nội địa này được mệnh danh là "đường bay vàng" hay "tuyến bay xương sống của hàng không Việt Nam" bởi doanh thu và tần suất các chuyến bay trên tuyến. Tuyến bay nối hai thành phố lớn nhất nước chiếm khoảng 35% không lưu Việt Nam.
Tuyến Hà Nội – TP HCM đã có sự phát triển ngoạn mục và lấn dần vào top 10 các đường bay bận rộn nhất thế giới. Ảnh: Dy Khoa.
Tuyến bay nối hai thành phố lớn nhất nước chiếm khoảng 35% không lưu Việt Nam. Ảnh: Dy Khoa.
Đường bay nội địa Nhật Bản giữa Sapporo New Chitose (CTS) - Tokyo Haneda (HND) vươn lên vị trí thứ 3 với công suất tương đương với tháng trước và Fukuoka (FUK) - Tokyo Haneda (HND) tiếp tục ở vị trí thứ 4 với công suất tăng 5%. Tokyo Haneda (HND) - Osaka (ITM) đã lọt vào top 10 đường bay nội địa bận rộn nhất. Còn Jakarta (CGK) đến Denpasar (DPS) đã ra khỏi top 10.
Top 10 đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới như sau. CJU-GMP Jeju International - Seoul Gimpo 1.385.349 chỗ. HAN-SGN Hanoi - Ho Chi Minh 1.014.597 chỗ. CTS-HND Sapporo New Chitose - Tokyo Haneda 966.469 chỗ. FUK-HND Fukuoka - Tokyo Haneda 937.356 chỗ. MEL-SYD Melbourne - Sydney (Australia) 712.118 chỗ. HND-OKA Tokyo Haneda - Okinawa Naha (Nhật Bản) là 690.142 chỗ. JED-RUH Jeddah - Riyadh (Saudi Arabia) 609.485 chỗ. HND-ITM Tokyo Haneda - Osaka Itami (Nhật Bản) 592.222 chỗ. BOM-DEL Mumbai - Delhi (Ấn Độ) 577.303 chỗ. Và PEK-SHA Beijing - Shanghai Hongqiao (Trung Quốc) ở vị trí thứ 10 khi vận chuyển 564.233 chỗ.
Về đường bay quốc tế, tuyến hàng không quốc tế bận rộn nhất tháng 10 nối giữa hai quốc gia láng giếng Singapore và Malaysia. Cụ thể, Kuala Lumpur (Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, KUL) - Singapore (Sân bay Quốc tế Singapore Changi, SIN) là đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất với 355.540 chỗ và công suất tăng 9% so với tháng trước.
Theo sau đó, đường bay Dubai (DXB) - Riyadh (RUH) là đường bay quốc tế bận rộn thứ hai với 305.002 chỗ. New York JFK (Mỹ, JFK) - London Heathrow (Anh, LHR) đã tăng hạng lên vị trí thứ 3.
Kuala Lumpur - Singapore là đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất. Ảnh: Dy Khoa.
Trong bảng thống kế tháng của OAG, đa số các đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất đều tập trung tại khu vực Đông Nam Á, có 4/10 đường bay như vậy được ghi nhận. Sau Kuala Lumpur - Singapore Changi bận rộn nhất thì Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok - Thái Lan, BKK) đến Singapore Changi và ngược lại đứng ở vị trí thứ 8, bán được 236.544 chỗ.
Đứng vị trí thứ 10 là đường bay nối thủ đô Manila (Philippines) với Singapore Changi, bán được 234.613 chỗ. Các đường bay quốc tế khác, trừ New York, đều có điểm đi và đến Trung Đông.
Trong tháng 10 năm 2022, bốn đường bay nội địa hàng đầu ở Trung Quốc không đổi, đường bay nhộn nhịp nhất vẫn là Bắc Kinh (Sân bay Quốc tế Thủ Đô Bắc Kinh, PEK) - Thượng Hải (Sân bay Quốc tế Shanghai Hongqiao, SHA) với 564.233 chỗ nhưng công suất tháng này đã giảm 14% so với tháng trước.
Đường bay nhộn nhịp nhất Trung Quốc nối giữa thủ đô Bắc Kinh và Thượng Hải. Ảnh: Dy Khoa.
Quảng Châu (Sân bay Quốc tế Bạch Vân Quảng Châu, CAN) - Thượng Hải (SHA) là tuyến đông đúc thứ hai, Thượng Hải (SHA) - Thâm Quyến (Sân bay Quốc tế Bảo An Thâm Quyến, SZX) ở vị trí thứ 3 và Quảng Châu (CAN) - Hàng Châu (Sân bay Quốc tế Tiêu Sơn Hàng Châu, HGH) ở vị trí thứ 4.
Bắc Kinh (PEK) - Thâm Quyến (SZX) do giảm 19% công suất trong tháng này so với tháng trước nên tụt xuống vị trí thứ 6. Đại Liên (Sân bay Quốc tế Chu Thủy Tử Đại Liên, DLC) - Thượng Hải (Sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải, PVG) đã lọt vào top 10 đường bay nội địa bận rộn nhất của Trung Quốc ở vị trí thứ 8 và Thượng Hải (PVG) - Thẩm Dương (Sân bay Quốc tế Đào Tiên Thẩm Dương, SHE) ở vị trí thứ 9.
Quảng Châu (CAN) đến cả hai sân bay tại Bắc Kinh gồm Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh (PKX) và Sân bay Quốc tế Thủ Đô Bắc Kinh (PEK) đều không còn trong top 10.