Theo "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050", dự kiến trong thời kỳ đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.
Ước tính trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn)…
Việt Nam ở đâu trong "bản đồ đất hiếm" thế giới?
Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.
Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm.
Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở Lào Cai. Một số mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng…
Theo thông tin của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.
Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm. Đất hiếm là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió…
Các nhà khoa học thì gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, thậm chí của cả thế kỷ XXII. Theo một số nghiên cứu, thị trường đất hiếm thế giới có trị giá khoảng 8,1 tỷ USD và sẽ tăng lên đến 14,4 tỷ USD vào năm 2025.
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao. Với trữ lượng tài nguyên này, Việt Nam có những cơ hội, lợi thế để khai thác, hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn, tham gia chuỗi cung ứng.
Chia sẻ với VnEconomy về điểm mấu chốt để Việt Nam có thể phát triển công nghiệp vật liệu, vi mạch trước đó, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ này cho rằng trước hết phải thăm dò trữ lượng và đánh giá chất lượng các nguồn tài nguyên, mỏ khoáng sản vật liệu liên quan như đất hiếm, kim loại màu, các nguồn vật liệu polymer. Cùng với đó phải đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khai thác, chế biến, tinh luyện và sản xuất ở quy mô công nghiệp đối với các loại vật liệu chiến lược...
Dự kiến khai thác 2 triệu đất hiếm mỗi năm
Theo Quyết định số 866 về "quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050" vừa được Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.
Quy hoạch phát triển các loại khoáng sản, trữ lượng, tài nguyên các loại khoáng sản huy động vào kỳ quy hoạch cho thấy, với đất hiếm trữ lượng hơn 3,472 triệu tấn; tài nguyên và tài nguyên dự báo là gần 16,350 triệu tấn, tổng là hơn 19,821 triệu tấn.
Quy hoạch nhấn mạnh mục tiêu đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (như bô xít, titan, đất hiếm…), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường.
Đối với khoáng sản đất hiếm, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp (sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO từ 95% trở lên, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO).
Mục tiêu sẽ tập trung nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản như bô xít, titan, đất hiếm, niken, cromit…
Theo quyết định, giai đoạn từ nay đến năm 2030, hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
Giai đoạn từ năm 2031- 2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1-2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.
Đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái). Đồng thời hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái). Dự kiến đầu tư mới dự án khai thác mỏ tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
Theo quyết định, giai đoạn đến năm 2030, tổng sản lượng khai thác đạt khoảng 2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Trong giai đoạn 2031-2050 sẽ duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác giai đoạn này dự kiến khoảng hơn 2,1 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Về chế biến, giai đoạn đến năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.
Để chế biến tổng các ôxit đất hiếm (TREO) sẽ đầu tư mới từ 3 dự án thủy luyện- chế biến đất hiếm tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai với các sản phẩm chế biến đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000- 60.000 tấn/năm.
Còn với đất hiếm riêng rẽ (REO) sẽ đầu tư mới các dự án chiết tách- chế biến tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai hoặc địa điểm phù hợp với các sản phẩm chế biến đất hiếm riêng rẽ, đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000- 60.000 tấn/năm.
Trong giai đoạn 2031-2050, căn cứ tình hình thực tế, đầu tư mở rộng nâng công suất các dự án đã có, tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm. Tổng các ôxit đất hiếm (TREO) đạt từ 40.000- 80.000 tấn/năm; đất hiếm riêng rẽ (REO) đạt từ 40.000- 80.000 tấn/năm.
Với kim loại đất hiếm, đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm nhà máy đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại đất hiếm từ 7.500- 10.000 tấn/năm.