Dự báo xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 700 triệu USD
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Trong 6 tháng đầu 2022 lượng xuất khẩu đạt gần 2,4 triệu tấn với kim ngạch 354 triệu USD. Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2022 có thể đạt trên dưới 700 triệu USD. Trong tương lai, viên nén có tiềm năng sẽ lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Phân tích về vấn đề này, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends - đánh giá, lượng và giá trị xuất khẩu viên nén của Việt Nam chỉ thực sự tăng ổn định từ tháng 10/2021. Các tháng nửa đầu năm 2022 (trừ tháng 2/2022 trùng với Tết Nguyên đán tại châu Á) ghi nhận sự tăng vọt cả về lượng và giá trị xuất khẩu.
Riêng trong tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã đạt hơn 530 ngàn tấn, trị giá hơn 80 triệu USD, tương đương hơn 15% lượng xuất khẩu của năm 2021. Các tháng khác đều có lượng xuất khẩu bình quân trên 300.000 tấn.
Đáng chú ý, hiện giá xuất khẩu viên nén cũng đã tăng rất mạnh, vọt lên bình quân gần 150 USD/tấn, tương đương tăng hơn 27% so với mức giá bình quân năm 2021.
Lượng và giá viên nén xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nhu cầu sử dụng viên nén tại các nước EU tăng đột biến. Nguyên nhân là do các nước EU quay lưng lại với nguồn khí đốt từ Nga khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra trước đó được nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sưởi ấm.
Viên nén nhập khẩu đang được sử dụng để thay thế cho nguồn cung khí đốt đã mất đi này. Cầu và giá viên nén tại thị trường EU tăng cao, tạo ra sức hút từ các nguồn cung lớn đặc biệt là từ Mỹ - quốc gia xuất khẩu viên nén lớn nhất trên thế giới. Mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia cung viên nén lớn cho các nước EU, cầu và giá viên nén tại thị trường quốc tế tăng cao tạo cơ hội cho ngành viên nén Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu.
Cơ hội cho ngành viên nén Việt
Nhận định về thị trường xuất khẩu viên nén của Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia, gần 100% lượng viên nén của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Lượng xuất sang các thị trường còn lại không đáng kể. Trước năm 2018, tỷ trọng viên nén của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc lớn hơn nhiều so với Nhật Bản. Tuy nhiên sự chênh lệch được thu hẹp dần sau đó.
Cụ thể, lượng nhập khẩu của thị trường Nhật Bản chỉ bắt đầu tăng mạnh từ năm 2018. Đây cũng là thời điểm nhu cầu nhập khẩu của cả hai thị trường này tăng đột biến (Nhật Bản tăng gấp 3 lần, Hàn Quốc tăng hơn 1,5 lần) do các chính sách ưu đãi về giá mua điện sinh khối mà viên nén gỗ là một nguồn nhiên liệu quan trọng nhằm chuyển đổi từ nguồn điện sử dụng điện than sang điện sạch.
Thị trường Nhật vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng rất cao ở mức trung bình trên 90% ở giai đoạn tiếp theo (2019-2021). Trong năm 2022, dự kiến Nhật sẽ tiếp tục gia tăng lượng nhập khẩu viên nén từ Việt Nam lên mức xấp xỉ với Hàn Quốc.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng nhanh kể từ 2021. Trong 6 tháng đầu 2022 số lượng doanh nghiệp xuất khẩu tăng mạnh. Số lượng các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng nhanh cho thấy tính hấp dẫn của ngành hàng này trong thời gian vừa qua.
Nhu cầu về mặt hàng viên nén trên thế giới đang tăng, đặc biệt tại thị trường EU. Ngành viên nén của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Tô Xuân Phúc đánh giá, hiện còn một số yếu tố có tác động trực tiếp đến tính bền vững của ngành. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành và các cơ chế chính sách hiện hành cần có sự điều chỉnh trong tương lai.
Cụ thể, nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào có vai trò quan trọng nhất đối với sự lớn mạnh của ngành. Nguồn nguyên liệu hiện tại của ngành chủ yếu là các phế phụ phẩm từ các cơ sở chế biến gỗ. Tuy nhiên, nguồn gỗ nguyên liệu đầu đang phải cạnh tranh khốc liệt với nguyên liệu của ngành dăm.
Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp, hiện chi phí sản xuất viên nén cao hơn khoảng 30 USD/tấn so với chi phí sản xuất dăm, tuy nhiên giá viên nén xuất khẩu lại thấp hơn khoảng 30 USD/tấn so với giá dăm xuất khẩu. Dăm hút nguyên liệu, đẩy giá nguyên liệu lên rất cao trong thời gian vừa qua.
Nhiều doanh nghiệp viên nén đặc biệt là các doanh nghiệp có các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết từ trước và không có khả năng thay đổi giá xuất khẩu không cạnh tranh được với các doanh nghiệp dăm về nguyên liệu. Điều này dẫn tới một số doanh nghiệp viên nén phải hạn chế sản xuất.
Trong bối cảnh thiếu nguyên liệu đầu vào, mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu là giải pháp ngắn hạn của doanh nghiệp nhằm duy trì các hoạt động sản xuất, đáp ứng với các đơn hàng đã ký kết từ trước. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn một số rủi ro trong việc kiểm soát chuỗi cung, bao gồm cả việc kiểm soát rủi ro của nguồn nguyên liệu đầu vào có liên quan tới các hoạt động gây tổn hại tới rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua Chính phủ Việt Nam có những động thái xem xét về việc áp dụng thuế xuất khẩu viên nén (hiện đang ở mức 0%). Các yếu tố này đang tác động trực tiếp tới thực trạng sản xuất và kinh doanh của các bên tham gia chuỗi cung viên nén hiện nay.
Xu hướng tiêu thụ viên nén tại các thị trường lớn trên thế giới cho thấy trong tương lai các thị trường này sẽ đòi hỏi nguồn viên nén sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ bền vững. Ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường và chuẩn bị cho việc đáp ứng các đòi hỏi này của thị trường trong tương lai.
Hiện Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích việc mở rộng các diện tích rừng trồng và các diện tích đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp có sử dụng gỗ rừng trồng làm nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, bao gồm cả các doanh nghiệp viên nén, trong việc hình thành liên doanh liên kết tạo nguồn gỗ nguyên liệu.