Cách đây tròn 25 năm, 19/11/1997 là ngày đầu tiên Việt Nam kết nối với mạng Internet thế giới. VNPT, nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) duy nhất lúc bấy giờ, gửi đi thông tin đầu tiên là lời chào “Hello the World”. Hạ tầng đầu tiên của Internet Việt Nam là 64 kb/s kết nối đi quốc tế cho khoảng 300 người sử dụng với hai hướng chủ yếu là Mỹ và Australia.
Đến nay, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng Internet, theo ước tính của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA). Thống kê của Statista cho thấy Việt Nam hiện đứng thứ 13 trên thế giới về số người dùng Internet.
Dù vậy, trong bảng xếp hạng của Speedtest, tốc độ Internet tại Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 58 và 59 ở hạng mục mạng di động và mạng băng rộng cố định.
Trung tâm dữ liệu của VNPT ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên đặt tại Đà Nẵng. Ảnh: VNPT.
Tốc độ download trung bình Internet di động tại Việt Nam đạt 42,46 Mbps, trong khi mức trung bình thế giới là 55,07 Mbps. Tốc độ download trung bình Internet băng rộng Việt Nam là 78,43 Mbps, mức trung bình thế giới là 107,50 Mbp.
Những năm đầu tiên của Internet ở Việt Nam
"Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu thời điểm người dân Việt nam có thể truy cập Internet như bất kỳ công dân nào ở các quốc gia phát triển trên thế giới", đại diện VNPT, ISP đầu tiên cung cấp dịch vụ dial-up Internet ở Việt Nam, nói về dấu mốc 19/11.
Dial-up, hay truy cập gián tiếp thông qua đường dây điện thoại cố định là nền tảng của Internet ở Việt Nam 25 năm trước, đồng nghĩa khi kết nối Internet sẽ không thể nghe, gọi điện. Các ISP đều cung cấp Internet dưới dạng này.
Internet khi đó được sử dụng bởi các cá nhân có thu nhập cao hoặc các tổ chức kinh doanh, phục vụ thư điện tử, truy cập cơ sở dữ liệu và truyền tệp dữ liệu, truy nhập từ xa.
Một trung tâm dữ liệu của FPT, một trong những ISP đầu tiên ở Việt Nam, tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP HCM. Ảnh: FPT.
Đến cuối năm 1997, Việt Nam đã có 4 nhà cung cấp Internet là VNPT, FPT Telecom, Saigon Postel, Netnam.
Ở thời kỳ đầu, một số ISP như FPT Telecom bắt đầu cung cấp dịch vụ với quy mô nhỏ, hạ tầng và nguồn vốn đều rất khiêm tốn. Khi đó, tài sản quan trọng nhất của FPT Telecom là chiếc PC Server IBM với 12 modem xếp chồng, ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom, nhớ lại.
Đến tháng 10/2000, Văn phòng Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 58-CT/TW về việc "đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
2 năm sau, thị trường Internet Việt Nam bắt đầu sôi động, với sự cạnh tranh cao hơn khi đạt khoảng 1,8 triệu người sử dụng Internet. Như vậy, sau gần 6 năm kết nối mạng toàn cầu, mới có khoảng 4% dân số Việt Nam dùng Internet. Tỷ lệ này ngày nay là hơn 70%.
Sau sự ra đời của dịch vụ Internet băng rộng Mega VNN năm 2003, tốc độ Internet ngày càng nhanh cũng làm bùng nổ các dịch vụ dựa trên mạng. Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, các "quán net" trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều người.
Năm 2009, Internet cáp quang (FTTH) chính thức được triển khai, với tốc độ vượt trội ADSL. Nhờ đó, dịch vụ này nhanh chóng thay thế cáp đồng. Các nhà mạng cũng tích cực triển khai thay thế hạ tầng cáp đồng bằng cáp quang trong thập niên 2010.
Nửa chặng đường Internet
Đến năm 2012, Internet băng rộng đã được cung cấp trên cả nước. Tỷ lệ xã có Internet tại thành thị đạt 99,85%, tại nông thôn đạt 84,46%. Tỷ lệ số hộ gia đình có kết nối Internet đạt 8,2%, khi đó chỉ 12,6% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính.
Tuy nhiên, có chênh lệch lớn về tỷ lệ người sử dụng Internet giữa thành thị và nông thôn, thành thị là 19,%, trong khi nông thôn là 5,5%. Đây có vẻ như vẫn là vấn đề cho đến hiện nay. Cuối năm 2020, Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) công bố một báo cáo cho thấy trên thế giới, tỷ lệ truy cập Internet hộ gia đình ở khu vực thành thị cao gấp đôi so với khu vực nông thôn.
Một cửa hàng Internet tại huyện Định Quán, Đồng Nai mở từ năm 2010. Ảnh: Khải Trần.
Tháng 6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, một mục tiêu phát triển hạ tầng đặt ra là phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản, khu vực dân sinh và tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Theo VIA, Việt Nam trở thành quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN vào năm 2013, với 16,1 triệu người dùng Internet hàng tháng. Sau hơn nửa “chặng đường” lịch sử Internet, lượng người dùng vẫn chưa đạt đến 1/4 so với hiện nay.
Con số này cho thấy tốc độ phát triển Internet ở Việt Nam, cũng như lý do từ đầu những năm 2010 thị trường trong nước đã được đánh giá cao về tiềm năng các ngành kinh tế số, chẳng hạn như thương mại điện tử.
70% dân số dùng Internet
Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 45.500 doanh nghiệp ICT, đem lại doanh thu khoảng 126 tỷ USD, đại diện VIA cho biết. Mở Internet vào năm 1997 là chậm so với thế giới, nhưng tăng trưởng Internet của Việt Nam được nhiều bên đánh giá cao.
“Từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng Internet tại Việt Nam tiếp tục tăng hơn 30%. Nhiều hoạt động, đặc biệt là học và họp trực tuyến, được đưa lên môi trường số tạo lưu lượng truy cập lớn”, đại diện nhà mạng VNPT cho biết.
Các cửa hàng Internet đã trở thành dịch vụ phổ biến ở Việt Nam, thường được trang bị các dàn máy cấu hình mạnh phục vụ nhu cầu chơi game trực tuyến. Ảnh: Khải Trần.
Chia sẻ thêm về thị trường Internet hiện nay, nhà mạng này cho biết Việt Nam đang nằm trong số các nước triển khai IPv6, giao thức Internet mới nhất, cao nhất toàn cầu, với tỷ lệ ứng dụng IPv6 nằm trong top 10 thế giới và cao hơn gấp đôi khu vực ASEAN. Kinh tế số dự kiến sẽ đạt giá trị 49 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng hàng năm 31%, với đóng góp chính đến từ thương mại điện tử.
Tuy nhiên, tần suất tiêu thụ nội dung số của người Việt lại thấp hơn so với trung bình khu vực Đông Nam Á, các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, đại diện của VNPT nhận định.
Báo cáo e-Conomy SEA 2021 công bố tháng 11/2021, do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, cho rằng nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ lớn thứ hai Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030.
Ông Hoàng Việt Anh, đại diện FPT Telecom nhận định Internet hiện tại đã trở thành nền tảng kết nối không thể thiếu. Sự thay đổi về nhu cầu sử dụng Internet tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở vùng phủ sóng mà còn đòi hỏi về nâng cấp chất lượng đường truyền, chất lượng dịch vụ.
VIA cho biết 2021 – 2025 là giai đoạn tăng tốc của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các mục tiêu của chương trình này bao gồm hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, kinh tế số chiếm 30% GDP và thu hẹp khoảng cách số.