‘Vàng trắng’ của thế giới
Theo Asia Times, nhu cầu về lithium – một trong những nhân tố then chốt trong lĩnh vực sản xuất năng lượng cho xe điện (EV) đã tăng vọt trong 3 năm qua.
Thứ kim loại được ví von là “vàng trắng” này đang trở thành trung tâm của những căng thẳng xoay quanh việc kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng, cho tới khi người ta tìm ra vật liệu thay thế hoặc phương thức tiếp cận nào khác có thể cung cấp năng lượng cho pin.
Trên thế giới, chỉ có một số ít nước có nguồn tài nguyên quặng lithium, đứng đầu là Boliva, Chile, Argentia, Trung Quốc, Australia, Việt Nam…
Theo số liệu năm 2021 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng lithium trên toàn thế giới là 89 triệu tấn, trong đó Bolivia (21 triệu tấn), Argentina (19 triệu tấn) và Chile (9,8 triệu tấn). Ba quốc gia châu Mỹ này nắm giữ một nửa trữ lượng lithium toàn cầu.
Tại Việt Nam, kết quả khảo sát và đánh giá của Liên đoàn Địa chất Trung Bộ từ năm 2005-2009 đã phát hiện tài nguyên quặng lithium tại vùng mỏ La Vi, tỉnh Quảng Ngãi, với trữ lượng khoảng 1,0 triệu tấn quặng hay khoảng 10.000 tấn Li2O.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trữ lượng này nằm ở mức trung bình so với thế giới, song đây là phát hiện quan trọng để Việt nam tham gia vào các nhóm nước có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng lithium.
Cơn khát toàn cầu
Tờ Le Figaro dẫn báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán trong tương lai gần thế giới sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt lithium, coban và crom. Nguyên nhân là do các quốc gia trên toàn cầu đang có xu hướng chuyển sang sử dụng nhiều năng lượng xanh hơn.
Các chuyên gia OECD đánh giá rằng nhu cầu đối với các kim loại trên sẽ tăng từ 4-6 lần và tình hình giờ đây “đáng báo động hơn bao giờ hết”. Hiện nay, các quốc gia cũng đang bắt đầu khai thác và sản xuất lithium, các nguyên tố đất hiếm, crom, asen, coban, titan, selen và magiê với tốc độ nhanh hơn trước đây.
Ví dụ, sản lượng khai thác magiê trên thế giới đã tăng 33%, trong khi mức khai thác lithium lên tới 208%. Tuy nhiên, những con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với nhu cầu trong tương lai.
Với tư cách là quốc gia thống trị trong ngành công nghiệp tinh chế lithium, Trung Quốc đang tìm cách nắm giữ nhiều hơn thứ kim loại quý giá này thông qua việc thâu tóm các mỏ địa chất trên khắp thế giới.
Theo dữ liệu do Rystad Energy và Benchmark tổng hợp, trong hai năm qua, các công ty Trung Quốc đã chi 4,5 tỷ USD mua cổ phần tại gần 20 mỏ lithium, hầu hết ở châu Mỹ Latinh và châu Phi. Các quốc gia như Mali và Nigeria cũng được Bắc Kinh chọn làm nơi “gửi vàng”.
Giữa “cơn khát” lithium toàn cầu, Việt Nam đã định hướng đầu tư khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên lithium với mục tiêu phát triển bền vững. Ngày 12/12/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Vingroup đã tổ chức lễ khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại Khu Kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư lên tới 4.000 tỷ đồng.
Nhà máy VinES được đánh giá là nhà máy sản xuất pin đầu tiên và hiện đại nhất tại Việt Nam. Theo hãng tin Sputnik (Nga), việc xây dựng nhà máy VinES hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, đồng thời cho thấy Việt Nam đã xuất phát trong cuộc chạy đua năng lượng sạch bằng cách khai thác các lợi thế khoáng sản của mình.
Bước đà bứt phá trong ngành xe điện
Tập đoàn Pan Asia Metals, chuyên về khai thác lithium ở Đông Nam Á, đang cân nhắc khả năng phát triển một cơ sở chuyển đổi lithium độc lập tại Việt Nam gần nhà máy pin VinES tại Việt Nam.
Hãng tin Reuters cho biết, Pan Asia Metals đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) không ràng buộc với công ty VinES Energy Solutions của Việt nam. Thỏa thuận ban đầu sẽ kéo dài 36 tháng và hai phía sẽ xem xét năng lực sản xuất hàng năm (từ 20.000 – 25.000 tấn/năm) đối với lithium carbonate và/hoặc lithium hydroxit.
Nếu dự án được đề xuất có kết quả khảo sát tích cực thì Pan Asia Metals và VinEs Strategy Solution có thể sẽ tiến tới một thỏa thuận bền vững hơn.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, với trữ lượng lithium nhất định trong tay, Việt Nam đang nắm tài nguyên quan trọng đối với ngành xe điện (EV). Thị trường xe điện thế giới đã đạt giá trị 370,86 tỷ USD trong năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 1298,32 tỷ USD vào năm 2027, đạt tốc độ CAGR là 23,35% trong giai đoạn dự báo 2022-2027.
Theo Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT), Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu về sản xuất xe điện trong khuôn khổ các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là thị trường xe điện hai bánh (E2W). Thị trường E2W của Việt Nam đang lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Trung Quốc) và thuộc hàng lớn nhất, cũng như phát triển nhanh nhất ở khu vực ASEAN.
Còn theo nhà phân tích Hugh Harsono từ Đại học California, Berkeley trên tạp chí Diplomat, vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam với tư cách là nhà sản xuất xe điện, tầm quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện và lượng người tiêu dùng EV ngày càng tăng, đang tạo ra các điều kiện thị trường hoàn hảo giúp Việt Nam tạo được lợi thế vượt trội so với ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc.
“Việt Nam sở hữu hầu hết các yếu tố cần thiết để trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu dù còn cả một chặng đường dài phía trước.
Vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong cả sản xuất và tiêu thụ xe điện sẽ sớm đưa nước này trở thành một trong những thị trường xe điện năng động nhất thế giới, có khả năng phá vỡ sự thống trị hiện tại của Trung Quốc đối với hệ sinh thái xe điện ở cả hai cấp độ” - Nhà phân tích Hugh Harsono từ Đại học California, Berkeley nhận định trên tạp chí Diplomat.
Cũng theo ông Harsono, Việt Nam có khả năng tạo ra tác động đáng kể trong hệ sinh thái EV của thế giới với tư cách vừa là nhà sản xuất, vừa là người tiêu dùng.
Thậm chí ở mức độ đảm bảo chuỗi cung ứng EV, Việt Nam cũng sẽ giúp người tiêu dùng toàn cầu ngày càng giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất và cung cấp vật liệu từ Trung Quốc.