Tiềm năng lớn nhưng khai thác nhỏ
Việt Nam là 1 trong 15 nước trên thế giới có trong bản đồ dược liệu, bởi nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, cùng nền y học cổ truyền lâu đời.
Thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật, 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, sâm Ngọc Linh...
Đáng nói hơn, nhu cầu chữa bệnh của người dân bằng y dược ngày càng lớn. Cả nước có khoảng 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập, hơn 90% bệnh viện đa khoa tỉnh có khoa y học cổ truyền…
Tiềm năng và thị trường lớn như vậy nhưng giá trị ngành dược liệu trong nước mang về còn rất thấp. Trong số 60 nghìn tấn các loại dược liệu sử dụng mỗi năm thì chỉ có khoảng 25% nguồn dược liệu trong nước tự cung cấp, còn lại là nhập khẩu và nhập lậu.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước mới có 400 xí nghiệp sản xuất từ dược liệu với quy mô khác nhau; chỉ có 13 nhà máy sản xuất thuốc cổ truyền đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Cộng với việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, khiến ngành dược liệu đáng giá tỷ USD của Việt Nam vẫn èo uột.
Trong khi đó, ước tính thị trường thảo dược toàn cầu sẽ đạt quy mô 178,4 tỉ USD vào năm 2026, đến năm 2030 lên mức 400 tỷ USD.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Hiện nay, công nghệ chế biến đang là điểm yếu của không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dược liệu Việt Nam. Nếu khắc phục được điều này, cộng với chính sách hỗ trợ đủ mạnh chắc chắn Việt Nam sẽ khai mở được “kho vàng” dược liệu dồi dào.
Ông Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, để thúc đẩy và tham gia sâu hơn vào thị trường dược liệu toàn cầu, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực dược là rất cần thiết.
Trên thực tế, Bộ Y tế đã có hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước phát triển, với việc áp dụng công nghiệp mới, hiện đại trong bào chế, sản xuất và phân phối.
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, để Việt Nam tham gia vào thị trường thảo dược toàn cầu, Bộ Y tế cho hay, Việt Nam cần phải đầu tư về khoa học - công nghệ, giống, vốn để phát triển được nguồn dược liệu năng suất và chất lượng cao.
Bên cạnh đó, phát triển vùng trồng dược liệu trên quy mô lớn, tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu; phát triển các sản phẩm từ dược liệu có nguồn gốc hữu cơ (organic) gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ của dược liệu, kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.
Trong thời gian này, cần đẩy mạnh nghiên cứu để đa dạng hóa, gia tăng chuỗi giá trị của sản phẩm về dược liệu, bao gồm các sản phẩm về thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, sản phẩm về sức khỏe hay hóa mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu.
Cùng với đó, xây dựng vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Từ đó tiến tới các dược liệu hữu cơ, đảm bảo đầu ra tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước, cũng như giới hạn vi sinh vật, giới hạn bảo vệ thực vật.
Ông Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền: Để có thể tham gia thị trường thảo dược toàn cầu thì Việt Nam cần từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung có quy mô đủ lớn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…