Ngành công nghiệp bông trên toàn cầu đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung, trong khi đó ở thị trường châu Á, mọi cấp độ từ nhà sản xuất đến thương nhân đều chịu phải tác động này. Theo thông tin từ Cotton Brazil, các nước châu Á như Việt Nam phải thực hiện công tác nhập khẩu để bổ sung cho lượng bông bị thiếu hụt trong nước.
Được biết, Việt Nam là nước nhập khẩu bông lớn thứ 2 của Brazil và là nước nhập khẩu bông lớn thứ 3 trên toàn cầu. Bông Brazil hiện chiếm 19% thị phần nhập khẩu bông của Việt Nam, tỷ lệ này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai.
Trong 4 năm qua, sản lượng bông của Brazil đã tăng hơn gấp đôi với 1,3 triệu tấn ở niên vụ 2015/2016 và tăng lên xấp xỉ 3 triệu tấn ở niên vụ 2019/2020. Kết quả này đạt được là nhờ vào việc tận dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, ngoài ra, phương pháp canh tác không tưới tiêu cũng được hơn 90% trang trại bông của Brazil đưa vào áp dụng. Ở niên vụ 2021/2022, cường quốc nông nghiệp đã cung cấp cho Việt Nam 275.000 tấn bông.
Hiệp hội Người trồng bông Brazil (ABRAPA) đã ước tính rằng diện tích trồng trọt năm nay sẽ lên tới hơn 1,6 triệu ha - tăng 15% so với năm trước, vì vậy, nguồn cung bông của Brazil dự đoán sẽ tăng trở lại trong năm nay. Căn cứ vào sự gia tăng diện tích trồng trọt này, ABRAPA dự báo mức tăng trưởng trong mùa vụ năm 2022 là 20% với sản lượng đạt gần 2,5 triệu tấn, đánh dấu mùa vụ tốt thứ hai trong lịch sử ngành nông nghiệp bông của Brazil. Brazil đã xuất khẩu 1,519 triệu tấn từ tháng 8/2021 đến tháng 4/2022, tạo ra doanh thu 2,827 tỷ USD.
Việc tăng nhập khẩu bông từ Brazil của Việt Nam diễn ra sau sự cố về đối tác nhập chính là nước láng giềng hồi cuối năm 2021. Ở khía cạnh khác, việc đa dạng hoá nguồn gốc nguyên vật liệu đầu vào cũng là chủ trương lớn của toàn ngành may mặc của chúng ta nhiều năm trở lại đây. Không chỉ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các đối tác truyền thống (đặc biệt là Mỹ), mà còn là công cụ để tăng tính cạnh tranh của ngành trên trường thế giới.
Trong đó, bông là đầu vào cho công nghiệp xơ sợi Việt Nam. Báo cáo sơ kết 5 tháng đầu năm 2022 của Hiệp hội bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải... đạt 18,73 tỷ USD, tăng 20,81% so với cùng kỳ 2021.
Chi tiết, có xuất khẩu dệt may đạt 14,99 tỷ USD (tăng 22,2%), xơ sợi 2,37 tỷ USD (tăng 10%), vải địa kỹ thuật 376,8 triệu USD (tăng 27%) và nguyên phụ liệu 979,8 triệu USD (tăng 19,2%). Với kết quả này, VCOSA cho biết Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu xơ sợi lớn thứ 6 thế giới.
Theo phân tích của VCOSA, hai khu vực nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và EU có xu hướng giảm nhập khẩu nguyên liệu dệt từ Trung Quốc trong khi tăng nhập khẩu từ các nước khác. Vì vậy, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu xơ, sợi và dệt may trong tương lai. Để nắm bắt các cơ hội từ thị trường, gia tăng thị phần xuất khẩu xơ, sợi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường đầu tư mới, mở rộng sản xuất để đón đầu sự dịch chuyển nguồn hàng từ Trung Quốc.
Về thị trường bông, giá bông sau khi đạt đỉnh (11 năm) hồi tháng 5/2022, hiện đang quay đầu giảm. Điều này sớm được dự báo và đang khá thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may. Nói về giá bông, chuyên gia cũng phân tích giá bông đầu năm tăng mạnh còn do nguyên nhân đầu cơ. Lúc bấy giờ, giá bắp và đậu nành tăng dữ dội trước căng thẳng chiến sự. Mà người nông dân thấy gì lời là làm, kéo theo hệ quả người nông dân chuyển từ tròng bông sang mặt hàng nông sản khác.
Cũng chia sẻ tại sự kiện gần đây, đại diện Vitas cho biết giá bông đảo chiều theo xu hướng giảm ở thời điểm hiện là mang tính chu kỳ và xu hướng tất yếu. Từ đầu năm đến tháng 4/2022, giá bông đã tăng 33% so với mức giá 2 USD/kg của năm 2021. Thời điểm này, khi sức mua toàn cầu giảm kéo giá bông giảm theo sẽ tác động tích cực lên đầu vào của dệt may Việt Nam. Nếu giá bông duy trì ở mức 2,4-2,5 USD, giá sợi của Việt Nam sẽ cạnh tranh tương đối tốt tại các thị trường xuất khẩu, bao gồm Mỹ và EU.