Trong báo cáo mới công bố, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hòa Phát (mã HPG) xuống 12.200 tỷ đồng, giảm 65% so với mức đỉnh năm 2021. Như vậy, theo ước tính của Bộ phận phân tích này, LNST quý 4 của Hòa Phát có thể đạt 1.757 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, SSI Research cũng từng đưa ra dự phóng LNST quý 3/2022 của Hòa Phát có thể đạt 2.100 tỷ đồng tuy nhiên thực tế lại khác xa so với con số trên khi doanh nghiệp đầu ngành thép lần đầu lỗ kể từ quý 4/2018 với khoản lỗ ròng 1.786 tỷ đồng. Sự kết hợp của nhiều yếu tố tiêu cực bao gồm giá thép giảm, hàng tồn kho giá cao và ảnh hưởng của lỗ tỷ giá là nguyên nhân chính khiến Hòa Phát lỗ trong quý 3.
*Số liệu quý 4 là dự báo của SSI Resesearch
Đánh giá về triển vọng của Hòa Phát cũng như ngành thép, SSI Research cho rằng nhu cầu chậm lại là mối lo ngại chính. Cụ thể, tổng nhu cầu toàn cầu vẫn yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới giảm 6,6% trong 8 tháng đầu năm 2022, cao hơn mức giảm 5,7% trong sản lượng sản xuất của quốc gia này trong cùng kỳ. Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu của Trung Quốc trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm 4%, thấp hơn so với dự báo đi ngang vào tháng 4 năm 2022, do thị trường bất động sản lao dốc trong bối cảnh giãn cách xã hội vì Covid.
Năm 2023, WSA kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ không thay đổi nhưng lưu ý rủi ro giảm đáng kể trong trường hợp không có các biện pháp kích thích mới và không có chính sách nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Toàn bộ nhu cầu thép toàn cầu dự kiến chỉ phục hồi 1% vào năm 2023, sau khi giảm khoảng 2,3% vào năm 2022. Điều này sẽ tạo thêm áp lực lên giá thép trong khu vực và Việt Nam, tạo ra thách thức cho Hòa Phát trong việc xuất khẩu phôi sang thị trường này trong thời gian tới.
Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng là vấn đề đáng lo ngại do thị trường bất động sản chững lại trong thời gian tới. Cụ thể, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn do: (1) lãi suất tăng; và (2) thắt chặt tín dụng từ ngân hàng cũng như thị trường trái phiếu. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng tài chính của cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Mặc dù hoạt động đầu tư công và giải ngân vốn FDI sẽ được tăng tốc trong giai đoạn 2022-2023 tuy nhiên SSI Research cho rằng tổng nhu cầu thép trong nước vẫn có thể chịu mức tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023. Do nhu cầu thị trường yếu hơn, Hòa Phát có thể cân nhắc tạm thời đóng một phần công suất lò cao trong thời gian ngắn hạn.
Mặt khác, SSI Research dự báo giá thép có thể chưa chạm đáy nhưng tốc độ giảm có thể chậm lại do: (1) sự ổn định của giá thép trong khu vực do Chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ đầu tư bất động sản; và (2) tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước đã giảm xuống mức tối thiểu (tỷ suất EBITDA của nhiều nhà sản xuất thép xây dựng đã giảm xuống mức 3% trong quý 2/2022 và dưới 0 trong quý 3/2022), dẫn đến sản lượng sản xuất giảm.
Giá thép xây dựng trung bình trong quý 3/2022 ước tính đã giảm 13% theo quý và 6% theo năm, đi cùng với sự sụt giảm của giá thép trong khu vực. Giá bán HRC của Hòa Phát cũng đã giảm khoảng 25% theo quý và 30% theo năm. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào đã giảm khoảng 20~30% theo quý, nhưng công ty bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho giá cao, đặc biệt khi giá than cốc, nguyên liệu chiếm khoảng 40% giá thành sản xuất thép, đã tăng gấp ba lần.
Năm 2023, SSI Research dự báo lợi nhuận ròng của Hòa Phát dự kiến sẽ nhích nhẹ 3,3% so với năm 2022, đạt mức 12.600 tỷ đồng. Trong khi tác động của hàng tồn kho chi phí cao có thể giảm dần trong thời gian tới, giá thép giảm cùng với nhu cầu suy yếu có khả năng dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ cho đến nửa đầu năm 2023.