Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa có công bố thông tin về danh tính tổ chức tín dụng phê duyệt cấp tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp.
Cụ thể, CII cho biết Vietcombank đã chính thức phê duyệt cấp tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng của công ty để tái cấu trúc dòng tiền các dự án này với tổng hạn mức hơn 9.340 tỷ đồng.
Trong đó, khoản cấp tín dụng với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội sẽ là gần 2.398 tỷ đồng, thời hạn vay 7 năm, không vượt quá ngày 26/11/2029. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng sẽ cấp khoản tín dụng trị giá 6.942 tỷ đồng với Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với thời hạn vay 12 năm, không vượt quá ngày 9/1/2035.
Hai doanh nghiệp được phê duyệt khoản cấp tín dụng kể trên từ Vietcombank cũng chính là các công ty thành viên của CII đang đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư tại 2 dự án hạ tầng giao thông quan trọng là Xa lộ Hà Nội và BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
CII đánh giá việc nhận được chấp thuận cấp tín dụng trung và dài hạn với giá trị rất lớn (gần 398 triệu USD) từ Vietcombank sẽ mở ra cơ hội cho công ty tiếp tục thực hiện tái cấu trúc dòng tiền của các dự án đã đi vào khai thác để có thể nhanh chóng thu hồi vốn nhằm tái đầu tư các dự án mới, cũng như thanh toán cổ tức cho cổ đông.
Đồng thời, giao dịch kể trên cũng cho thấy năng lực của CII trong việc quản trị tài chính và các hoạt động của mảng hạ tầng cầu đường, thu phí giao thông, cũng như tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn của công ty trong lĩnh vực này.
Trước đó, đã có nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới đứng ra thu xếp vốn cho các dự án hạ tầng giao thông của CII như Goldman Sachs, Ayala, MPTC, Rhinos, GuarantCo…
Thực tế, thông tin một tổ chức tín dụng đứng ra thu xếp khoản tín dụng hơn 9.300 tỷ đồng cho CII đã được Tổng giám đốc công ty - ông Lê Quốc Bình - đưa ra từ phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 hồi cuối tháng 5.
Khi đó, ông Bình cho biết khoản tín dụng này sẽ được dùng để tái cấu trúc vốn cho 2 dự án quy mô lớn kể trên của CII. Thông qua khoản tín dụng này, CII có thể giảm chi phí lãi vay cũ và được phép rút tiền song song với khoản vay ngân hàng theo tỷ lệ nợ vay giữa hai bên.
Đặc biệt, CII có thể gián tiếp làm dự án Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 nhờ nguồn vốn huy động được này.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp cũng lưu ý việc sử dụng khoản tín dụng kể trên về bản chất sẽ không tăng dư nợ của công ty do số tiền huy động mới sẽ dùng để hoán đổi các khoản nợ hiện tại.
Liên quan tới hoạt động kinh doanh của CII, mới đây HĐQT doanh nghiệp này đã công bố nghị quyết về việc chấp thuận bán toàn bộ gần 31,8 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 12,6% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Trước đó, công ty này từng đăng ký bán lượng cổ phiếu quỹ lên đến hơn 44 triệu cổ phiếu trong giai đoạn 24/1/2022 đến 22/2/2022. Tuy nhiên, do thị giá chưa đạt mong muốn nên CII chỉ bán được 3,5 triệu cổ phiếu giai đoạn này với giá bình quân khoảng 35.128 đồng/cổ phiếu. Sau đó, công ty này tiếp tục đăng ký bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ còn lại từ ngày 22/3 đến 6/4 cùng năm, nhưng cũng chỉ bán được thêm 9 triệu đơn vị với giá bình quân 32.222 đồng/cổ phiếu.
Đến nay, CII một lần nữa đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu quỹ còn lại. Tính đến ngày 31/3, CII ghi nhận nắm giữ gần 31,8 triệu cổ phiếu quỹ với giá trị hơn 737 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 23.180 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu CII chỉ giao dịch ở mức 18.200 đồng/đơn vị (cuối ngày 2/6), tương đương giá trị số cổ phiếu quỹ CII dự kiến bán ra vào khoảng gần 600 tỷ đồng.