Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, năm 2022 hoạt động của các tổ chức tín dụng có nhiều tích cực trong nửa năm đầu, nhưng sau đó chịu áp lực lớn từ sự bất lợi của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sự biến động của lãi suất và tỷ giá trên thị trường quốc tế.
Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn của thị trường để giải bài toán hiệu quả kinh doanh, song Vietcombank vẫn đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh doanh.
Theo đó, kết thúc năm 2022, huy động vốn thị trường 1 của ngân hàng đạt khoảng 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với 2021 (tương đương khoảng 428 nghìn tỷ đồng).
Tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước giao. Tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%. Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021.
Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt. Tổng dư nợ xấu là 7.662 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt khoảng 465%.
Bên cạnh kết quả kinh doanh, Vietcombank cũng hoàn thành một số hoạt động trọng tâm khác như đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội với tổng cam kết 491 tỷ đồng (đã giải ngân 373 tỷ đồng); triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho khách hàng theo Nghị định 31 và Thông tư 03...
Đặc biệt, trong năm 2022, Vietcombank đã hoàn thành việc xây dựng phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, đáp ứng tiến độ của Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian tới, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Một số chỉ tiêu chính trong năm 2023 được đặt ra gồm: tổng tài sản tăng 9%; huy động vốn thị trường 1 phù hợp với tăng trưởng tín dụng; tín dụng tăng 12,8%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%; NIM lớn hơn hoặc bằng 3,24%; lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%.
Ở các chỉ tiêu trên, liên quan đến tổng tài sản và tăng trưởng tín dụng dự kiến, Vietcombank cho biết chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023.
Để hoàn thành kế hoạch, ngân hàng dự kiến đặt 3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh.
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững. Cụ thể, gia tăng tỷ trọng và chất lượng tài sản đảm bảo trong tổng dư nợ; tăng trưởng tín dụng bán buôn gắn với phát triển khách hàng và dịch vụ; tăng trưởng tín dụng bán lẻ, tín dụng tại phòng giao dịch đồng thời với việc đảm bảo chất lượng tín dụng.
Thứ hai, phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ. Mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số và nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng.
Thứ ba, cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả. Phát triển mạnh mẽ vị thế tạo lập thị trường của Vietcombank.