Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (mã VJC-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT thông qua phát hành riêng lẻ 3000 tỷ đồng TPDN.
Theo đó, Hội đồng Quản trị VJC đã thông qua Phương án phát hành riêng lẻ 3.000 tỷ đồng Trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể: VJC sẽ phát hành 30.000 trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
VJC cho biết mục đích phát hành để thực hiện chương trình chi trả các chi phí hoạt động về xăng dầu, chi phí cảng, điều hành bay, kỹ thuật, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc tàu bay (PDP) và các chi phí khác.
Trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng. Đây là trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm, trái Phiếu được phát hành dưới hình thức ghi sổ, thông qua đại lý phát hành với lãi suất cố định 10,5%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ tính lãi còn lại sẽ tính lãi suất bằng tổng của biên độ 3,5%/năm và lãi suất tham chiếu.
Lãi suất tham chiếu là lãi suất tiền gửi trả sau cá nhân bình quân 12 tháng được công bố bởi 4 Ngân hàng TMCP gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (“Vietcombank”), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (“HDBank”), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (“Vietinbank”), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (“BIDV”).
Trái phiếu có kỳ hạn 06 tháng/1 lần vào ngày thanh toán lãi và/hoặc ngày đáo hạn, hoặc ngày đến hạn khác để thực hiện mua lại. Về việc mua lại, tổ chức phát hành được phép mua lại sau 12 tháng kể từ thời điểm phát hành hoặc thực hiện mua lại theo quy định pháp luật hiện hành.
Mới đây. Vietjet công bố doanh thu thuần quý 3/2023 đạt 14.235 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ (11.600 tỷ); lợi nhuận trước thuế đạt 198,5 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ (44 tỷ) và lợi nhuận sau thuế tăng từ 42,5 tỷ lên hơn 55,4 tỷ đồng, tương ứng 30,3%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Vietjet đạt 43.737 tỷ đồng, tăng mạnh đến 58,8% so với cùng kỳ (27.535 tỷ) và lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ (187 tỷ đồng).
Theo giải trình từ VJC, trong quý 3/2023, Vietjet đã khai thác an toàn 36 nghìn chuyến bay và vận chuyển hơn 6,8 triệu lượt hành khách, lần lượt tăng 2% và 5% so với cùng kỳ. Số lượng khách quốc tế đạt 2,3 triệu lượt khách, tăng 10% so với Quý 3/2019 và 127% so với Quý 3/2022.
Mảng vận chuyển hàng hóa ghi nhận những kết quả kinh doanh ấn tượng với 20,3 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 76% so với quý 3/2022.
Vietjet đã mở mới 7 đường bay quốc tế, và là hãng hàng không đầu tiên có đường bay kết nối Việt Nam với 5 thành phố lớn nhất Australia, bao gồm Perth, Adelaide, Brisbane, Melbourne và Sydney, nâng tổng số đường bay lên 125 (45 đường bay quốc nội, 80 đường bay quốc tế).
Doanh thu vận tải hàng không và hợp nhất trong quý 3/2023 đạt lần lượt 13.548 tỷ đồng và 14.235 tỷ đồng, tăng 32% và 23% so với cùng kỳ, nhờ vào tăng trưởng mạnh của doanh thu vận chuyển khách quốc tế, hoạt động phụ trợ và vận chuyển khách theo chuyến, đạt lần lượt 201%, 26% và 60%.
Mảng doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa tiếp tục phát triển đạt 5.029 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ phí cước hành lý tăng 88% và doanh thu từ bán thức ăn trên tàu bay tăng 66%.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng mạnh do Vietjet tiếp tục mở rộng và tăng cường quảng cáo các đường bay mới như Đài Bắc, Hong Kong, Busan, Adelaide, Perth v.v. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu bay cũng tăng cao đột biến lên gần 128 USD/thùng và hiện nay vẫn đang dao động ở mức 110 USD/thùng.
Lợi nhuận gộp vận tải hàng không quý 3/2023 634 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp 4.7%, nhờ vào việc Vietjet luôn chú trọng triển khai và thực hiện các chương trình tối ưu và kiểm soát chi phí hoạt động trong bối cảnh giá nhiên liệu bay duy trì ở mức cao. Lợi nhuận sau thuế vận tải hàng không và hợp nhất trong quý 3/2023 đạt 579 tỷ đồng và 55 tỷ đồng, tăng 175% và 30% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/09/2023, tổng tài sản của VietJet đạt hơn 76,5 nghìn tỷ đồng, chỉ số nợ vay /vốn chủ sở hữu 1,5 lần và chỉ số thanh khoản 1,4 lần nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không.
Bên cạnh đó, Vietjet cũng ghi nhận thành công các khoản thuê mua tài chính 3 tàu bay A321NEO thế hệ mới trị giá 156 triệu USD với công ty Castlelake và khoản vay PDP 550 triệu USD với Công ty Carlyle Aviation Partners cho các tàu Boeing và Airbus trong năm 2024, 2025 hiện thực hoá kế hoạch trẻ hoá đội tàu bay, thay dần tàu bay cũ A320 sang các tàu A321 NEO, tiết kiệm 16-19% chi phí nhiên liệu bay.
Hiện, giá cổ phiếu VJC tăng 5,05% lên 104.000 đồng/cổ phiếu và tăng 8,69% trong 6 tháng qua.