Ngày 7/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã lưu ý Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) về khả năng hủy niêm yết hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN.
Bài toán của Vietnam Airlines
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, tại ngày 30/6/2022, Vietnam Airlines đang âm vốn chủ sở hữu 4.897 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã liên tiếp thua lỗ trong năm 2020, 2021 và nửa đầu 2022, đồng thời lỗ lũy kế 28.904 tỷ - vượt 6.760 tỷ đồng so với vốn điều lệ thực góp (22.144 tỷ).
Theo quy định tại Nghị định 155/2020, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Như vậy, để không bị hủy niêm yết theo đúng quy định, Vietnam Airlines chỉ có 2 cách.
Thứ nhất, lãi lớn trong 6 tháng cuối năm. Trong nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã lỗ sau thuế 5.237 tỷ đồng. Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp này cần có lãi tối thiểu là 5.237 tỷ đồng để không ghi nhận năm thứ 3 thua lỗ. Tuy nhiên, lịch sử hoạt động của Vietnam Airlines trong điều kiện kinh doanh trước đại dịch chưa khi nào có lãi quá 2.700 tỷ/năm.
Thứ hai, tăng vốn chủ sở hữu thêm tối thiểu 6.760 tỷ đồng để xóa bỏ tình trạng lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp cũng như âm vốn chủ sở hữu.
Vietnam Airlines có cần một cơ chế đặc biệt?
“Vietnam Airlines dự kiến mức lỗ cả năm 2022 là 9.335 tỷ đồng – đây là mức trần và chúng tôi sẽ cố gắng giảm lỗ tối đa” - Đại diện của hãng hàng không quốc gia chia sẻ trong cuộc họp báo tổ chức ngày 14/09.
Việc tiếp tục lỗ là khó tránh khỏi, khi ngành hàng không toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, dù có một số tín hiệu phục hồi.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định, đến năm 2023, tổng lượng khách hàng không nội địa mới quay về mức trước dịch (tức năm 2019) trong khi thị trường quốc tế đến năm 2025 mới hồi phục. Trong đó, khu vực châu Á – Thái bình Dương phục hồi chậm nhất.
Theo dự báo của IATA, trong 6 tháng đầu năm 2022, các hãng hàng không toàn cầu đã cải thiện kết quả kinh doanh, chỉ còn lỗ… 9,7 tỷ USD. Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương lỗ tới 8,9 tỷ USD do các thị trường lớn như Trung Quốc, HongKong, Đài Loan vẫn hạn chế khai thác hàng không.
Thị trường Việt Nam sau đại dịch đang ở tình trạng thừa cung và xảy ra “chiến tranh giá vé” trong bối cảnh chi phí nhiên liệu Jet A1 tăng mạnh và biến động tỷ giá. Không hãng hàng không nào có doanh thu đủ bù đắp chi phí của hoạt động bay.
Với ảnh hưởng của Covid thì những doanh nghiệp như Vietnam Airlines gần như không có cách nào khắc phục được nếu không có giải pháp tái cơ cấu và hỗ trợ của các bên liên quan, đặc biệt là nhà nước và các đối tác.
Vietnam Airlines
Mặc dù vẫn dự kiến lỗ, đại diện của doanh nghiệp khá tự tin khi nói rằng: “Vietnam Airlines sẽ cố gắng bằng mọi giải pháp để duy trì việc niêm yết cổ phiếu HVN trên sàn HOSE. Quy định hủy niêm yết nhằm thanh lọc thị trường, loại bỏ các sản phẩm xấu để bảo vệ nhà đầu tư. Trong khi đó, Vietnam Airlines là trường hợp đặc biệt khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn bởi điều kiện bất khả kháng chứ không do vi phạm các quy định về công bố thông tin”.
Năm 2021, Vietnam Airlines từng đề xuất một đặc cách không hủy niêm yết trên HOSE dù âm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên sau đó, bằng các giải pháp “nỗ lực tự thân” với sự hỗ trợ từ Chính phủ, hãng bay đã không phải sử dụng đến đặc cách này.
Cụ thể, Vietnam Airlines đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ của hãng lên hơn 22.143 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng ký hợp đồng tín dụng theo diện tái cấp vốn với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng. Hoạt động này đã giúp Tổng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn khi đó.
Theo đại diện của công ty, tình huống năm 2022 cũng khá tương đồng.
Trong kế hoạch giảm lỗ tối đa, bán tài sản, thoái vốn…, sự quan tâm của nhà đầu tư được dành cho Pacific Airlines. Được biết, hãng bay này đang lỗ khá lớn và với việc Vietnam Airlines sở hữu 98,84% Pacific Airlines thì báo cáo tài chính hợp nhất của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã phải “gánh” một khoản lỗ không nhỏ. Theo đại diện của Vietnam Airlines, nếu chuyển nhượng thành công Pacific Airlines, Vietnam Airlines có thể giảm ngay hàng nghìn tỷ đồng lỗ trên kết quả hợp nhất.
Tuy nhiên, việc thoái vốn khỏi hãng bay giá rẻ này đang gặp sự mâu thuẫn về quy trình giữa các văn bản luật. Vietnam Airlines đang trình Chính phủ xem xét các giải pháp, và rất có thể sẽ có cơ chế riêng để Pacific Airlines được trao cho nhà đầu tư phù hợp.
Với việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, Vietnam Airlines phải được Chính phủ chấp thuận, thậm chí cần được Quốc hội thông qua giống như lần tăng vốn năm 2021. Với phương án tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cách làm trước đây là Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Phương án khác để tăng vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là phát hành cổ phiếu ra công chúng. Việc này sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Vietnam Airlines mà không thông qua thoái vốn.
Bên cạnh đó, hoạt động phát hành tăng vốn cần thời gian chuẩn bị dài và đòi hỏi nhiều thủ tục, phải qua nhiều cấp phê duyệt từ Quốc hội, Chính phủ cho tới các cơ quan cấp dưới. Từ khi kế hoạch chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN được nói đến cho đến khi hoàn thành mất khoảng một năm.
Đề án tái cơ cấu: Giảm lỗ, bán tài sản và tăng vốn
Đầu tháng 8, Vietnam Airlines đã có công văn giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát.
Theo đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 đã được Đại hội cổ đông thông qua và đang trình cấp có thẩm quyền, Vietnam Airlines sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu:
(1) Cải thiện KQKD vận tải hàng không, sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất để không đẩy lỗ lũy kế tăng cao trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và tiến tới có lãi trong các năm sau
(2) Tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Vietnam Airlines cho biết sẽ bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ, thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính, thực hiện chủ yếu từ 2022-2024.
Cụ thể, Vietnam Airlines dự tính bán 32 tàu bay, trong đó có 26 chiếc phản lực thân hẹp A321CEO và 6 chiếc ATR72. Việc này đem lại thu nhập cho doanh nghiệp, cũng là hoạt động để thay thế dần đội bay bằng các tàu hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Với các tàu bay mới, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch bán và thuê lại (SLB) 12 tàu thân hẹp và hai động cơ dự phòng.
Vietnam Airlines còn có chủ trương tái cơ cấu danh mục đầu tư, thoái vốn khỏi công ty con/công ty liên kết để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.
(3) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vietnam Airlines cho biết việc phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu dự kiến thực hiện vào năm 2023-2024. Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.