Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã HVN-HOSE) vừa thông báo mời các đơn vị tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (VNA) tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec).
Theo thông báo Vietnam Airlines thì thời hạn muộn nhất để các đơn vị gửi hồ sơ tham gia chào giá cung cấp gói dịch vụ trên là ngày 8/2.
Được biết, công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam được thành lập theo quyết định số 768/QĐ-TCCBLĐ ngày 22 tháng 4 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và chính thức đi vào hoạt động tháng 7 năm 1993. Đến ngày 9 tháng 6 năm 1994, Công ty thành lập lại theo quyết định số 847/QĐ-TCCBLĐ của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và được giao chức năng xuất nhập khẩu trực tiếp các sản phẩm hóa dầu và công ty chính thức hoạt động theo mô hình TNHH một thành viên từ ngày 01/7/2010, với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng Việt Nam do Tổng công ty Hàng Không VIệt Nam là chủ sở hữu.
Hiện Skypec đã và đang cung cấp nhiên liệu cho tất cả các hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 04 sân bay Quốc tế lớn của Hàn Quốc với chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có nhiều khách hàng lớn như: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Korean Air, All Nippon Airways, Qatar Airways, Cathay Pacific, China Airlines, Vietjet Air, Bamboo airways,…. Với năng lực phục vụ khoảng trên 214.000 chuyến bay/năm với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn/năm và mức tăng trưởng trên 10% mỗi năm.
Được biết, ngày 01/06/2022, HOSE đã ban hành quyết định số 359/QĐ-SGDHCM giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN do vốn chủ sở hữu -2.160 tỷ đồng, căn cứ BCTC hợp nhất Q 1.2022 và Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC kiểm toán 2 năm gần nhất (năm 2020, 2021) là số âm, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Theo BCTC hợp nhất quý 4 năm 2022 của HVN, Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế năm là -10.452,6 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 là -34.199,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -10.199,2 tỷ đồng.
Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019 như sau: “ 1. cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:... e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá so vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;. ”,
Do đó, HOSE đã có lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Trước đó, HVN đã có văn bản giải trình lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 và lộ trình khắc phục tình trạng bị kiểm soát.
Cụ thể: trong năm 2022, HVN chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn, dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh covid và cải thiện kết quả SXKD đồng thời bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp. Tuy nhiên do thị trường quốc tế phục hồi chậm, các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột chiến tranh Nga- Ukraine và các biến động về tỷ giá và lãi suất gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 4 và cả năm 2022. Bắt đầu từ quý 4/2022, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động SXKD của Tổng công ty cũng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2023.
Tổng công ty đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, Tổng công sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.