Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) mới đây đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Đáng chú ý, khoản lỗ hơn 5.600 tỷ đồng trên báo cáo tài chính tổng công ty này tự lập trước đó đã bị điều chỉnh tăng thêm 115 tỷ đồng trên báo cáo kiểm toán lần này.
Nguyên nhân là chi phí giá vốn bỏ ra được điều chỉnh tăng mạnh hơn, dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines giảm còn gần 4.000 tỷ đồng, thấp hơn 55 tỷ đồng so với số tự lập.
Tương tự, chi phí tài chính hãng bay này tiêu tốn trong kỳ cũng đạt hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 78 tỷ đồng so với số liệu trước đó. Trong khi đó, lãi từ các công ty liên doanh liên kết lại bị điều chỉnh giảm 19 tỷ đồng.
Như vậy, trên báo cáo kiểm toán, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế hơn 41.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023.
Với kết quả trên, Công ty TNHH kiểm toán KPMG cũng đưa ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines. Cụ thể, kiểm toán viên cho biết nợ ngắn hạn của tổng công ty và các công ty con đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 46.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổng công ty còn có các khoản phải trả đã quá hạn với số tiền hơn 13.700 tỷ đồng. Ngoài ra Vietnam Airlines đã âm vốn chủ sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng. Năm 2023 đã là năm thứ 4 liên tiếp hãng bay này làm ăn thua lỗ.
Kiểm toán viên cho rằng khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines phụ thuộc vào khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau Covid-19 và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng, các nhà cung cấp, bên cho thuê cũng như khả năng thành công của dự án tái cơ cấu đang được các cấp có thẩm quyền xem xét.
"Những điều kiện này, cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines", kiểm toán viên của KPMG viết trong báo cáo.
Trong khi đó, Vietnam Airlines cho biết hãng gặp phải nhiều thách thức như thị trường vận chuyển quốc tế phục hồi không đồng đều, tình trạng thừa tải và cạnh tranh gay gắt, giá nhiên liệu tăng cao, xung đột quân sự Nga - Ukraine, Israel - Hamas và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng.
Ngoài ra, việc tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước chậm lại cũng ảnh hưởng tới chi tiêu của hành khách. Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu ước tính giảm từ 3,5% trong năm 2022 xuống còn 2,9% vào năm 2023. Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế cũng chậm lại, từ 8,12% năm 2022 còn 8,05% vào năm ngoái.
Vì những lý do khách quan nói trên, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh sau kiểm toán của Vietnam Airlines vẫn thua lỗ trong quý IV và cả năm 2023.
Theo dự báo của Vietnam Airlines, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty cũng được kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2024-2025.