Nhằm thu xếp dòng tiền sau 9 quý liền thua lỗ, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) vừa thoái 35% vốn góp thành công tại Cambodia Angkor Air, với tổng giá trị khoảng 35 triệu USD.
Việc thoái vốn cho bên nhận chuyển nhượng được thực hiện theo thỏa thuận giữa hai bên, trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Vụ việc hoàn tất, Cambodia Angkor Air không còn là công ty liên kết của Vietnam Airlines. Đồng thời, hãng không tiết lộ thông tin của đối tác mua lại phần vốn này.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, Vietnam Airlines cho hay, từ tháng 1/2022 và tháng 3/2022, hãng lần lượt nhận được 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp tại Cambodia Angkor Air. Năm 2019, Vietnam Airlines đã nhận khoản đặt cọc với giá trị 1 triệu USD.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, Vietnam Airlines sẽ hoàn thành các điều khoản trong thỏa thuận và thanh lý 14% phần vốn góp còn lại tại Cambodia Angkor Air trong năm 2022.
Năm 2009, Vietnam Airlines tham gia góp 49% vốn và trở thành cổ đông lớn tại Cambodia Angkor Air. Sự hợp tác này nhằm hỗ trợ tối đa cho Cambodia Angkor Air trong quá trình triển khai hoạt động mở rộng và phát triển, cũng như thực hiện các công việc bảo dưỡng, sửa chữa, hợp tác thương mại.
Tuy nhiên, từ 2017, Vietnam Airlines bắt đầu lên kế hoạch thoái vốn khỏi hãng này. Tới năm 2020, khi dịch Covid-19 tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh, hãng quyết định rút toàn bộ phần vốn góp 49% tại Cambodia Angkor Air.
Hoạt động này của Vietnam Airlines là một trong những nỗ lực nhằm đưa hãng vượt qua giai đoạn khó khăn, chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn phục hồi và phát triển hậu Covid-19, trong bối cảnh hãng suy kiệt nghiêm trọng dòng tiền.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, do Vietnam Airlines công bố, doanh nghiệp này lỗ sau thuế 13.279 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến 31/12/2021 là 21.961 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, tuy kinh doanh có khởi sắc, nhưng Hãng hàng không quốc gia Việt Nam vẫn lỗ 2.685 tỷ đồng, kéo mức lỗ lũy kế lên 24.646 tỷ đồng.
Chia sẻ về những khó khăn của hãng, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, cho hay, Vietnam Airlines thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán, mất vốn chủ sở hữu.
Trước những khó khăn của hãng, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines, đồng thời giao cho Ủy ban quản lý vốn trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, tập trung vào 2 đề án: Đề án tổng thể hỗ trợ phục hồi và giải cứu Vietnam Airlines sau đại dịch.
Hiện ngoài thoái vốn (như tại Cambodia Angkor Air), để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết, Vietnam Airlines đang đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu tài sản để bổ sung dòng tiền.