Theo báo cáo của Vietnam Airlines, chuyến bay của hãng từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội ngày 7/4 đã phát hiện dấu vết chim va vào động cơ số 2. Máy bay phải dừng chờ, gửi động cơ đi sửa chữa với chi phí ước tính 58,8 tỷ đồng .
Vận rủi chưa hết, hơn 10 ngày sau, hãng hàng không Quốc gia tiếp tục ghi nhận sự cố với chuyến bay từ Cam Ranh về Hà Nội. Lần này, chim va vào cả 2 động cơ, gây ra thiệt hại ước tính 60,8 tỷ đồng .
Trước đó, ngày 16/3, chuyến bay VN1397 từ Phù Cát đi TP.HCM cũng ghi nhận chim va vào động cơ số 2, ước tính thiệt hại hơn 30 tỷ đồng .
Vietnam Airlines đã ghi nhân 50 sự cố máy bay va chạm với chim kể từ đầu năm 2021 đến nay. Chỉ riêng 2 tháng từ 1/3 đến 1/5, số sự cố tăng đột biến với 18 lần. Trong đó 9 vụ gây thiệt hại lớn. Chi phí thiệt hại ước tính gần 162 tỷ đồng .
Theo số liệu từ đơn vị Bảo hiểm hàng không, Vietnam Airlines đã tốn 421.470 USD trong năm 2021 để sửa chữa các hư hỏng do chim gây ra, chưa tính đến thiệt hại kinh tế trong thời gian máy bay dừng khai thác. Các sự cố chủ yếu được phát hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất (7/9 vụ).
Để phòng ngừa chim va máy bay trong thời gian tới, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra an toàn khu bay, đầu tư trang thiết bị xua đuổi chim như súng bắn xua chim bằng năng lượng mặt trời, súng bắn xua đuổi chim laser... tại các sân bay nhằm đảm bảo an toàn khi khai thác máy bay.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã thống kê từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2022, sân bay Tân Sơn Nhất có số lượng báo cáo sự cố chim va máy bay đứng thứ 4 trong top 10 sân bay khu vực châu Á - Thái Bình Dương.