Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 6/4, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng cần quy định thêm giá tối thiểu (giá sàn) và tối đa (giá trần) đối với dịch vụ hàng không. Vị này nhìn nhận tình trạng giá vé máy bay 0 đồng không tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải là cần xác định giá trần đối với vé máy bay nội địa để bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, nếu không quy định giá tối thiểu, doanh nghiệp hàng không chuyên nghiệp sẽ bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến lợi nhuận độc quyền.
Tuy nhiên, hãng hàng không Vietravel Airlines lại có quan điểm trái ngược. Chia sẻ với báo chí, đại diện hãng cho rằng việc áp dụng giá sàn sẽ làm giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng sự phục hồi và phát triển của ngành hàng không.
"Việc áp dụng giá sàn tại thị trường hàng không Việt Nam là chưa có tiền lệ. Trên thế giới hiện tại, không quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần hay giá sàn", phía Vietravel Airlines nhấn mạnh.
Theo hãng hàng không này, trong giai đoạn 2016-2017, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã quyết định bãi bỏ quy định giá tối thiểu cho vé máy bay sau thời gian ngắn áp dụng vì điều này làm đánh mất lợi thế cạnh tranh với các hãng khác trong khu vực.
Trong khu vực Đông Nam Á, tại các nước thu hút khách du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia, các hãng hàng không cũng thực hiện cạnh tranh tự do, giá vé do thị trường quyết định và tự điều chỉnh theo xu hướng cung và cầu vào từng thời điểm.
"Đứng trên quan điểm và góc nhìn của một hãng hàng không tư nhân, việc áp dụng giá sàn hoặc giá trần sẽ triệt tiêu yếu tố kinh tế thị trường theo đúng bản chất của nó chứ không mang lại lợi ích trong việc điều hành chuyên nghiệp và phát triển dịch vụ của hãng hàng không. Đồng thời, việc áp khung giá cũng sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh và gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng", đại diện Vietravel Airlines nói.
Cụ thể, quy định về khung giá sẽ khiến vé máy bay về cùng một mức, dần sẽ triệt tiêu tính năng động và đa dạng của ngành hàng không. Người tiêu dùng vì vậy cũng mất đi cơ hội có thêm nhiều lựa chọn phù hợp.
Ngoài ra, các hãng hàng không giá rẻ (low cost airlines) sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng khi những hãng hàng không nổi tiếng sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Việc áp dụng giá sàn cũng dẫn đến tình trạng không thể tiếp cận được khách hàng ở phân khúc thấp.
"Kết quả gây ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành hàng không Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung", phía Vietravel Airlines khẳng định.
Hồi tháng 9/2021, khi đưa ra đề xuất về giá sàn vé máy bay, Cục Hàng không cũng thừa nhận chính sách này còn tồn tại các bất cập, hạn chế cơ bản, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa
Chiều 24/2, lãnh đạo các hãng hàng không Việt Nam cũng từng nhóm họp để bàn phương án tháo gỡ khó khăn tài chính trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao.
Trước sự có mặt của đại diện Cục Hàng không, Vụ Vận tải, Ban Kinh tế Trung ương..., các doanh nghiệp hàng không nêu ra bức tranh tối màu của toàn ngành, trước khi kết lại bằng đòi hỏi bỏ giá trần vé máy bay.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết thời điểm điều chỉnh giá trần lần cuối cùng là năm 2015, đã cách đây 8 năm. Từ đó, hầu như năm nào các hãng bay cũng họp, phân tích yếu tố đầu vào thay đổi và xin điều chỉnh, nhưng giá trần vẫn đóng khung từ 2015 đến nay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng trong dài hạn cần bỏ yêu cầu giá trần vé máy bay ra khỏi các quy định pháp luật do giá thành ấn định từ 2015 đến nay đã thay đổi. Trước mắt, có thể bỏ giá trần nhưng vẫn duy trì sự quản lý giá trần của Nhà nước trên các đường bay chỉ có một hãng hàng không khai thác để tránh độc quyền.