Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT thông qua việc giải thể Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev.
Theo đó, HĐQT Vinamilk đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CTS.HĐQT/2022 ngày 30/11/2022 thông qua việc giải thể Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev, là công ty liên doanh thành lập bởi Vinamilk và Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido.
Vinamilk cho biết nguyên nhân giải thể là do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh của Vinamilk và Kido. Đồng thời, HĐQT giao cho Tổng giám đốc phối hợp với Kido và Vibev trên tinh thần hợp tác để thực hiện các thủ tục giải thể Vibev theo quy định pháp luật.
Được biết vào tháng 2/2021 Hội đồng quản trị Tập đoàn Kido vừa thông qua quyết định thành lập liên doanh với Công ty liên doanh có tổng vốn ban đầu 400 tỷ đồng - trong đó, Kido nắm giữ 49% và Vinamilk góp 204 tỷ đồng, tương 51% vốn.
Hoạt động chính của liên doanh này là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nước giải khát không gas có lợi cho sức khoẻ và kem với thương hiệu Vibev.
Trước đó, vào tháng 6/2020, VNM thông báo đã ký biên bản thoả thuận ghi nhớ với Kido về việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát - kem (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khoẻ, trà, trà sữa,...không bao gồm các loại nước có gas), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.
Đồng thời, HĐQT VNM cũng thông qua việc chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 2/2022 với tỷ lệ 14% (1 cổ phiếu được nhận 1.400 đồng). Ngày chốt danh sách là ngày 23/12 và ngày thanh toán là ngày 28/2/2023.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết đã nâng giá mục tiêu (TP) cho VNM thêm 7% và duy trì khuyến nghị "khả quan". VCSC cho biết, giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu là do (1) mức tăng 1% tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2025, (2) cập nhật mô hình định giá mục tiêu của chúng tôi đến cuối năm 2023 và (3) chi phí vốn đầu tư dự kiến thấp hơn trong giai đoạn 2022-2027, bị ảnh hưởng một phần bởi các giả định về phần bù rủi ro vốn chủ sở hữu (ERP) và WACC cao hơn của chúng tôi.
Bên cạnh đó, VCSC tăng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2025 thêm 1% chủ yếu do nâng dự báo biên LN gộp của VNM thêm lần lượt 50/50/110 điểm cơ bản trong giai đoạn 2023/2024/2025 do giá sữa tiếp tục giảm gần đây và điều này bị ảnh hưởng một phần do điều chỉnh giảm 3% tổng doanh số bán hàng dự báo giai đoạn 2023-2025 do chúng tôi cho rằng những biến động kinh tế vĩ mô gần đây sẽ tác động nhiều hơn đến sức chi tiêu của người tiêu dùng phổ thông, vốn đã bị ảnh hưởng trong năm 2022. Ngoài ra, VCSC cũng giả định sức chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024 và phục hồi hoàn toàn bắt đầu từ năm 2025.
Mặt khác, rủi ro hay yếu tố hỗ trợ đối với VNM là tiêu thụ sữa thấp/(cao) hơn dự kiến và việc triển khai sản phẩm mới thấp hơn/(tốt hơn) so với dự kiến.
Về phía KDC, công ty cũng có thông báo tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 vào ngày 20/12 tới nhằm chia cổ tức đặc biệt từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Cụ thể: Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của KDC tại thời điểm 30/6/2022 (BCTC bán niên 2022 đã soát xét) là 1.781.310.407.212 đồng; chia cổ tức 50% bằng tiền mặt (5.000 đồng/cổ phiếu) là 1.286.120.050.000 đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại: 495.190.357.212 đồng.