Theo báo cáo vừa được Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) công bố, doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 4 đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3 và thấp hơn đến 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xe điện VinFast bùng nổ doanh số
Trong toàn bộ số liệu bán hàng kể trên, ôtô du lịch đạt sức tiêu thụ 15.748 xe ở tháng vừa rồi, còn xe thương mại và xe du lịch lần lượt đạt doanh số 6.487 xe và 174 xe.
VinFast VF e34 là mẫu xe gây bất ngờ nhất trong tháng 4 khi tăng trưởng đến gần 400% doanh số so với kỳ báo cáo trước đó. Trong tháng 4, VinFast xác nhận đã bàn giao thành công 2.332 mẫu SUV hạng C chạy điện cho khách hàng Việt Nam.
Nhờ thành tích này, VinFast VF e34 đã vượt qua nhiều cái tên khác trên thị trường như Mitsubishi Xpander, Ford Ranger, Toyota Corolla Cross hay Hyundai Accent để trở thành ôtô bán chạy nhất thị trường Việt Nam trong tháng 4.
Thậm chí, mẫu xe điện của VinFast còn tạo ra khoảng cách về doanh số đến 905 xe so với cái tên xếp sau là "vua bán tải" Ford Ranger.
Trong khi đó, Mitsubishi Xpander lại bất ngờ mất hơn một nửa doanh số so với kỳ báo cáo liền kề và chỉ đạt sức tiêu thụ 1.084 xe trong tháng 4. Cú trượt ngã này khiến mẫu MPV bình dân của Mitsubishi đánh mất vị trí dẫn đầu và thậm chí rơi ra khỏi top 5 ôtô bán chạy nhất Việt Nam trong tháng đầu quý II.
Ở chiều hướng ngược lại, mức tăng trưởng gần 212% giúp VinFast VF 8 đạt doanh số 1.232 xe trong tháng 4, giúp mẫu SUV điện hạng D của VinFast chen chân vào danh sách 5 mẫu xe bán chạy nhất thị trường ôtô Việt Nam.
Doanh số Hyundai Accent trong tháng 4 cũng mất đến 305 xe so với kỳ báo cáo trước đây. Dù đã giảm doanh số đều đặn từ tháng 2 đến nay, mẫu sedan hạng B của Hyundai vẫn là cái tên duy nhất giữ được sức bán trung bình trên 1.000 xe mỗi tháng.
Đứng ngay phía sau VinFast VF e34 về sức tiêu thụ trong tháng, Ford Ranger có kỳ báo cáo thứ hai liên tiếp đạt doanh số trên 1.400 xe. Toyota Corolla Cross cũng duy trì đà bán tốt trong 3 tháng liền dẫu sụt giảm 10% doanh số so với kỳ báo cáo trước đó.
Honda City tiếp tục được hưởng lợi từ chương trình ưu đãi phí trước bạ. Mẫu sedan hạng B của thương hiệu ôtô Nhật Bản tăng trưởng gần 40% về doanh số để trở thành cái tên bán chạy nhất phân khúc và chiếm lấy một vị trí trong top 5 ôtô đạt doanh số tốt nhất tháng 4 tại Việt Nam.
Thị trường ôtô Việt sớm mất đà hồi phục
Trong tổng số hơn 60 mẫu xe du lịch được ghi nhận doanh số tại thị trường Việt Nam, chỉ 15 cái tên đạt sức tăng trưởng dương về doanh số trong tháng đầu tiên của quý II.
Trong đó, 3 mẫu xe điện của VinFast sở hữu sức tăng trưởng mạnh nhất khi doanh số trong tháng 4 cao hơn 3-5 lần so với kỳ báo cáo trước đó.
Toyota Hilux vừa mở bán trở lại tại thị trường Việt Nam hồi tháng 3 cũng đạt mức tăng trưởng dương về doanh số trong tháng vừa rồi, trong khi những mẫu xe thường xuyên được xếp vào nhóm bán chậm như Toyota Land Prado, Honda Accord, Suzuki Ciaz, Isuzu mu-X hay Honda Civic và Toyota Land Cruiser cũng đạt doanh số tốt hơn tháng cuối cùng của quý I.
Ở chiều hướng ngược lại, không ít mẫu xe dù vẫn sở hữu doanh số cao nhưng lại thụt lùi về sức tiêu thụ so với kỳ báo cáo trước. Điển hình như Ford Everest (754 xe so với 1.088 xe), Toyota Vios (695 xe – 1.050 xe), Hyundai Creta (637 xe – 1.035 xe), Kia Sonet (604 xe – 1.012 xe) hay đáng kể nhất là Mitsubishi Xpander chỉ đạt doanh số 1.084 xe, giảm mạnh so với sức tiêu thụ 2.288 xe ghi nhận trong tháng 3.
Vì vậy, dấu hiệu hồi phục chỉ vừa nhen nhóm đối với thị trường ôtô Việt Nam đã gần như rất nhanh bị dập tắt khi tháng 4 khép lại. So với 4 tháng đầu năm ngoái, doanh số lũy kế của thị trường ôtô Việt Nam đã giảm đến 30% và chỉ đạt mức 92.801 xe.
Trong đó, doanh số xe lắp ráp trong nước tiếp tục đà giảm mạnh đến 39% so với cùng kỳ năm ngoái, còn sức tiêu thụ của nhóm xe nhập khẩu cũng thấp hơn 16% so với 4 tháng đầu năm 2022.