Trong khoảng giá dưới 600 triệu đồng, người tiêu dùng Việt có đa dạng sự lựa chọn đến từ nhiều dòng xe khác nhau.
Đó là các mẫu xe hạng A cỡ nhỏ như Kia Morning hay Hyundai Grand i10 cùng với dòng xe SUV đô thị với sự góp mặt của Kia Sonet và Toyota Raize.
Thậm chí khoảng giá dưới 600 triệu đồng còn cho người tiêu dùng Việt lựa chọn các mẫu sedan hạng B ăn khách nhất thị trường như Toyota Vios, Hyundai Accent, Honda City cùng nhóm MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz Cross và Suzuki Ertiga.
Với giá bán 458 triệu đồng hoặc 538 triệu đồng kèm pin, VF 5 Plus liệu có khả năng chinh phục người tiêu dùng Việt trong tầm giá dưới 600 triệu đồng hay không.
Người Việt chuộng ôtô dưới 600 triệu đồng
Sau giai đoạn hơn 3 quý đầu năm, nhóm 10 ôtô bán chạy nhất thị trường ghi nhận sự góp mặt của 5 cái tên có giá khởi điểm dưới 600 triệu đồng.
Nhóm xe đó bao gồm 3 mẫu sedan, một mẫu MPV cùng với VinFast Fadil là đại diện duy nhất của nhóm ôtô hạng A nhưng hiện đã ngừng kinh doanh.
Chỉ khi mở rộng phạm vi thống kê lên gấp đôi, cán cân mới nghiêng hẳn về nhóm ôtô có giá bán cao hơn 600 triệu đồng. Theo đó, chỉ có 8 trên 20 mẫu xe bán tốt nhất thị trường được niêm yết dưới mốc vừa đề cập.
body{ margin: 0; padding: 0;}table { font-family: Arial, "Helvetica Neue", Helvetica, sans-serif; border-right: 1px solid #333; border-bottom: 1px solid #333; max-width: 1000px; }td { border: none; border-top: 1px solid #333; border-left: 1px solid #333; td p{ margin: 0; padding: 0;} max-width: 500px; box-sizing: border-box; color: #333; padding: 5px; }
Trong số 5 ôtô được ưa chuộng nhất thị trường Việt sau 10 tháng đầu năm, Toyota Vios, Mitsubishi Xpander, Hyundai Accent và Honda City là những mẫu xe dưới 600 triệu đồng đã hợp thành doanh số chung 67.086 xe, áp đảo so với thành tích bán hàng 16.576 xe của riêng SUV đô thị Toyota Corolla Cross.
Viện dẫn các con số nói trên để thấy thị trường Việt Nam vốn dĩ đã và vẫn đang dành nhiều sự ưu ái cho nhóm ôtô có tầm giá dưới 600 triệu đồng.
Sau khi VinFast Fadil ngừng bán và hãng cũng không cập nhật số liệu bán hàng mới, Mitsubishi Xpander và Hyundai Accent đã nhiều lần trở thành mẫu ôtô bán chạy nhất toàn thị trường.
Điểm chung của cả hai nằm ở mức giá, khi Xpander (từ 555 triệu đồng) và Accent (từ 426 triệu đồng) đều khởi điểm dưới mức 600 triệu đồng.
SUV đô thị cỡ A hút khách
Kể từ thời điểm ra mắt thị trường Việt lần đầu tiên vào tháng 11/2021, dòng SUV đô thị hạng A với sự góp mặt của Kia Sonet cùng Toyota Raize đã sở hữu tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng.
Với lợi thế gầm cao cùng giá bán dễ tiếp cận, hai mẫu xe của Kia và Toyota nhanh chóng đe dọa vị thế của nhóm ôtô hạng A giá rẻ.
Sau 10 tháng đầu năm, Toyota Raize và Kia Sonet đã hợp thành doanh số 13.916 xe, cao hơn cả thành tích chung 13.069 xe của Hyundai Grand i10, Kia Morning, Honda Brio và Toyota Wigo.
Đáng chú ý, trong số đó chỉ hai mẫu xe Hàn Quốc còn trụ lại thị trường ôtô Việt, trong khi hai cái tên giá rẻ còn lại của Honda và Toyota đã rời cuộc chơi vì nhiều lý do khác nhau.
Sau khoảng thời gian bùng nổ với doanh số ấn tượng đến từ mẫu xe hạng A VinFast Fadil, hãng ôtô Việt cho trình làng VF e34 như là mẫu ôtô thuần điện đầu tiên của mình.
Tuy nhiên do định vị bản thân nằm giữa phân khúc SUV hạng B và C, VF e34 thật khó để cạnh tranh với những cái tên đình đám trên thị trường như Toyota Corolla Cross, Hyundai Creta, Hyundai Tucson hay Mazda CX-5.
Có lẽ vì thế mà "tân binh" VF 5 Plus khi ra mắt đã được VinFast nhắm sẵn đến phân khúc SUV đô thị cỡ nhỏ, vốn sở hữu tốc tăng trưởng khá tốt.
Mặt khác, phân khúc mới mẻ này hiện chỉ đang là sân chơi riêng của Toyota Raize và Kia Sonet, qua đó gia tăng cơ hội cạnh tranh cho mẫu ôtô điện tiếp theo của VinFast tại thị trường Việt Nam.
Khả năng thành công của VF 5 Plus
Kể từ thời điểm VF e34 được giới thiệu đến thị trường Việt, VinFast đã rất nỗ lực để xây dựng hệ thống hạ tầng trạm sạc phục vụ cho người dùng ôtô điện.
Trên website của mình, VinFast cho biết hãng đã lắp đặt hơn 1.000 trạm sạc trên khắp 63 tỉnh thành với hơn 150.000 cổng sạc tính đến thời điểm 14/10.
So với các thương hiệu ôtô khác, rõ ràng VinFast đã nhanh chân hơn và quyết liệt hơn trong việc phổ cập trạm sạc, tạo tiền đề lớn cho việc bán xe điện.
So với xe chạy xăng, tất nhiên số lượng trạm sạc vẫn còn có sự chênh lệch rất lớn so với số cây xăng, tức là người mua xe điện sẽ cần thay đổi thói quen sử dụng ôtô, đồng thời phải tính toán nhiều hơn tới việc sạc điện cho xe, nếu trong nhà không có điều kiện sạc.
Với mức giá dao động trong khoảng 458-538 triệu đồng, VF 5 Plus sẽ trở thành một lựa chọn khá ổn nếu đặt trong sức hút tạo nên từ nhóm ôtô tầm giá 600 triệu đồng nói chung và phân khúc SUV đô thị cỡ nhỏ nói riêng. Có thể nói giống như VF e34 hay VinFast Fadil, VF 5 Plus vẫn sẽ cạnh tranh bằng giá bán cộng với một số lợi thế về trang bị.
Ở chiều ngược lại, việc tham gia vào một thị trường với nhiều đối thủ mạnh sẽ khiến VF 5 Plus phải chứng minh được nhiều điều chứ không chỉ là giá bán, bao gồm sự ổn định của xe và cả yếu tố sạc điện dễ dàng.
Vẫn còn hơn 4 tháng nữa mới đến thời điểm những mẫu VinFast VF 5 Plus thương mại đầu tiên chính thức đến tay khách hàng. Đây có lẽ sẽ là khoảng thời gian vừa đủ để VinFast nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trạm sạc đáng tin cậy cho các khách hàng quan tâm.
Nhìn vào thành công của VinFast Fadil ở phân khúc xe giá rẻ, có cơ sở để tin rằng VF 5 Plus sẽ đạt được thành tích kinh doanh khả quan, hoặc ít ra là tốt hơn so với những gì VF e34 từng làm được.