Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với kết quả kinh doanh phục hồi mạnh sau năm 2021 chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Cụ thể, trong quý cuối năm 2022, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận 41.168 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất Vingroup ghi nhận được trong một quý kinh doanh. Kỷ lục trước đó là mức 38.427 tỷ đồng ghi nhận trong quý IV/2018.
Trong quý vừa qua, biên lãi gộp cải thiện mạnh so với cùng kỳ giúp tập đoàn này thu về hơn 12.800 tỷ đồng lãi gộp từ hoạt động kinh doanh chính.
Vingroup cho biết nếu tính cả doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính, tổng doanh thu hợp nhất quý IV/2022 của tập đoàn này là 42.568 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, phần tăng doanh thu chủ yếu nhờ việc bàn giao các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire trong quý. Trong khi các lĩnh vực cho thuê bất động sản đầu tư (chủ yếu là kinh doanh trung tâm thương mại), dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, y tế và giáo dục đều ghi nhận tăng trưởng tốt.
Trong quý gần nhất, bất chấp chi phí bán hàng tăng gấp đôi, tiêu tốn của Vingroup gần 3.700 tỷ đồng, chi phí tài chính cùng chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đáng kể đã giúp tập đoàn tiết kiệm gần 5.000 tỷ đồng so với quý IV/2021. Kết quả là tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thu về 3.955 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng trưởng mạnh so với mức lỗ gần 6.600 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 410 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ gần 9.300 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, Vingroup ghi nhận 101.523 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 19% so với năm liền trước. Tuy nhiên, tổng doanh thu thuần hợp nhất, bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 130.759 tỷ đồng, tương đương năm 2021.
Nhờ tiết giảm được hàng nghìn tỷ đồng ở chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Vingroup đã đạt 12.694 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cũng chấm dứt đà thua lỗ năm liền trước với mức lãi dương 1.982 tỷ đồng.
Vingroup cho biết hiện doanh số bán bất động sản chưa ghi nhận của toàn tập đoàn (gồm Vinhomes và các công ty con) vào khoảng 110.500 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu lớn trong năm 2023 nhờ việc bàn giao lượng lớn căn hộ sau khi hoàn thành xây dựng.
Tương tự, VinFast cũng kỳ vọng có một năm đột phá về doanh số nhờ 68.000 đơn hàng đặt cọc cho các mẫu xe điện VF 8, VF 9, VF e34 và VF 5. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác cũng dự kiến ghi nhận tăng trưởng cao trong năm 2023.
Trong năm 2022, VinFast đã bàn giao tổng cộng 7.400 ôtô điện và hơn 60.000 xe máy điện. Trong năm, bộ phận sản xuất và các dịch vụ liên quan cũng mang về 13.564 tỷ đồng doanh thu thuần cho Vingroup. Đây hiện là bộ phận kinh doanh mang lại nguồn thu lớn thứ hai cho tập đoàn sau bộ phận kinh doanh chuyển nhượng bất động sản với 54.861 tỷ đồng năm qua.
Ngoài ra, bộ phận kinh doanh cho thuê bất động sản đầu tư năm qua cũng mang về 8.112 tỷ đồng; kinh doanh dịch vụ khách sạn du lịch, vui chơi giải trí đóng góp 7.532 tỷ; y tế mang về 4.480 tỷ và giáo dục mang về 3.760 tỷ đồng, còn lại là các hoạt động kinh doanh khác.
Đến cuối năm 2022, Vingroup có tổng tài sản đạt trên 574.800 tỷ đồng, tăng 34% so với cuối năm 2021. Cũng trong năm qua, tập đoàn này đã huy động được gần 1,1 tỷ USD vốn từ thị trường quốc tế. Tháng 12 cùng năm, VinFast cũng đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để đăng ký phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO).