Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết ngày 30/9/2022 kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 2022 toàn tỉnh phải đạt trên 60%, đến 31/12/2022 đạt trên 90% và đến 31/01/2023 giải ngân đạt trên 95%. Riêng kế hoạch vốn năm 2021 được cấp thẩm quyền cho kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2022 phải đạt 100%
Để đạt mục tiêu trên, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 5997 yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, Ban quản lý dự án (BQLDA); UBND cấp huyện và các chủ đầu tư phải đề ra các giải pháp và ban hành kế hoạch cụ thể nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, trường hợp vượt thẩm quyền chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết.
Tổ chức lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán, đảm bảo phù hợp tiến độ chung của dự án theo quy định.
Phân công lãnh đạo, cán bộ theo dõi chỉ đạo, điều hành công việc từ khâu lập, thẩm định hồ sơ dự án - thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công đảm bảo phù hợp tiến độ và đúng quy định; căn cứ vào đó để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án/công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ. Các đơn vị giải ngân không đạt chỉ tiêu người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, bị xử lý trách nhiệm nếu không giải ngân hết số vốn được giao.
Chủ động tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB), nhất là đối với các dự án ODA và dự án trọng điểm.
Các chủ đầu tư và BQLDA chuyên ngành chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện nơi có dự án để đẩy nhanh công tác BT-GPMB; tăng cường họp giao ban định kỳ hàng tháng, quý với các nhà thầu để nắm sát tình hình thực hiện dự án, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; lập hồ sơ thanh, quyết toán các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đúng thời gian quy định.
Đối với các dự án xét thấy có nhiều khó khăn trong bồi thường, tập trung triển khai hoàn thành công tác bồi thường mới đăng ký bố trí vốn thực hiện đầu tư dự án. Không ký kết hợp đồng đối với các nhà thầu tư vấn, thi công không có năng lực thực hiện; kiên quyết không để công trình đã được bàn giao mặt bằng nhưng chủ đầu tư triển khai chậm hoặc để tái chiếm, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng và các thành viên là các sở, ngành; chủ động giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án vào cuối năm 2021.
Thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án theo quy định; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của các dự án trọng điểm; tổ chức nhiều hội nghị giao ban về đầu tư công, theo chuyên đề, lĩnh vực và chung cả tỉnh; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm.
Định kỳ hằng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp nghe báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
UBND tỉnh yêu cầu giám đốc/thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là ban hành kế hoạch cụ thể nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, trường hợp vượt thẩm quyền phải chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các đơn vị chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 thì đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn; tổ chức lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán đảm bảo phù hợp tiến độ chung của dự án và đúng quy định, bao gồm cả phần vốn được phép chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân.
Ngoài ra, Sở này cần phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ theo dõi chỉ đạo, điều hành công việc từ khâu lập, thẩm định hồ sơ dự án - thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công, đảm bảo phù hợp tiến độ và đúng quy định; căn cứ vào đó để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án/công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ, đảm bảo tiến độ chung, đến cuối quý III/2022 phải giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch vốn, đến hết ngày 31/01/2023 phải giải ngân phải đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên.
UBND tỉnh yêu cầu các sở trong đó có Sở Công Thương cần tăng cường vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án kịp thời xử lý các trường hợp khó khăn, vướng mắc; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh dự án đầu tư, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước trong phạm vi quản lý; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, thanh quyết toán vốn.
Trong năm 2021, toàn tỉnh đã giải phóng mặt bằng được 1.030 ha đất, cao gấp 2,5 lần so với năm 2020. UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức cưỡng chế 94 cuộc cưỡng chế thu hồi đất, 22 cuộc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và 02 cuộc bảo vệ thi công.
Năm 2022, nguồn vốn kế hoạch giao cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được bố trí cho 17 công trình và dự án chuyển tiếp; 2 dự án khởi công mới và 13 dự án kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022.
Nguồn vốn đầu tư công đã giao, bố trí đến ngày 15/6 đạt gần 1.600 tỷ đồng; trong đó trên 530 tỷ đồng bố trí cho các dự án ODA, còn lại là các dự án, công trình trọng điểm khác. Ngoài các dự án ODA đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 50% kế hoạch, nhiều dự án trọng điểm khác đều có tỷ lệ giải ngân thấp...