Theo hãng tin Bloomberg, Indonesia đã tham gia cuộc đua thu hút du khách, nhất là những người giàu ở lại lâu dài nhằm kích thích ngành du lịch cũng như sức chi tiêu cho nền kinh tế.
Cụ thể, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á về tổng GDP này đã công bố chương trình “Ngôi nhà thứ 2” tại thiên đường du lịch Bali, qua đó cấp visa 5-10 cho những du khách có ít nhất 2 tỷ Rupiah, tương đương 130.000 USD trong tài khoản.
Chính sách này của Indonesia được cho là nhắm đến những đợt lễ hội cuối năm như Giáng sinh, thời điểm lượng du khách thường tăng cao.
“Đây là một chính sách không tốn ngân sách nhắm đến du khách nước ngoài để tăng cường đóng góp cho nền kinh tế Indonesia”, Quyền tổng giám đốc chương trình nhập cư Widodo Ekatjahjana phát biểu trong buổi lễ ra mắt chương trình tại đảo Bali.
Hút tiền, mời lao động
Hãng tin Bloomberg cho hay Indonesia đã lên danh sách một loạt những nước tiềm năng từ Costa Rica đến Mexico để quảng bá chương trình này, qua đó thu hút đối tượng người nghỉ hưu, người giàu hay những cá nhân có tiềm lực tài chính.
Đại dịch Covid-19 đã khiến lượng lớn người lao động có tri thức được làm việc từ xa, qua đó giúp họ có khả năng du lịch ở nhiều nơi trên thế giới mà vẫn đảm bảo công việc. Indonesia đang nhắm đến những lực lượng lao động này với kỳ vọng chương trình visa 10 năm sẽ đem về cả nguồn thu cho ngân sách lẫn nhân lực trình độ cao.
Năm nay, Indonesia đặt mục tiêu thu hút 76,7 tỷ USD nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cao hơn mức 57,6 tỷ USD của năm 2021.
Trên thực tế, Indonesia đã lên kế hoạch cho chương trình này từ năm 2021, hướng đến lượng khách du lịch cực lớn tại Bali. Đây là địa điểm nổi tiếng với các du khách quốc tế và cũng là nguồn thu ngoại tệ chủ chốt cho Indonesia.
Bên cạnh đó, thời điểm phát động chương trình visa trên của Indonesia cũng đúng vào giai đoạn hồi phục mạnh của ngành du lịch. Hàng loạt ngành dịch vụ, từ hàng không đến giải trí quay trở lại đã khiến các du khách quay trở lại với thiên đường Bali.
Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali vào tháng 11/2022 cũng được kỳ vọng là sẽ thu hút ánh nhìn của toàn thế giới, đem lại hàng chục nghìn đại biểu cùng những du khách tiềm năng.
Với việc công bố chính sách visa 10 năm, Indonesia đã chính thức tham gia cuộc đua du lịch với những nền kinh tế có động thái tương tự như Australia, Canada, Hy Lạp, New Zealand, Singapore...
Mới đây Hong Kong cũng đã lên kế hoạch về một loại visa cho phép những du khách có thu nhập tối thiểu 318.500 USD/năm có thể ở lại 2 năm tại đây.
Giá đất tăng
Chuyên gia Ariyo Irhamna của Viện phát triển kinh tế tài chính (IDEF) nhận định chương trình visa này của Indonesia là một ý tưởng tốt để thu hút cả nguồn đầu tư lẫn lao động chất lượng cao khi tạo điều kiện cho các tập đoàn chuyển nhà máy hay trụ sở đến đây.
Tuy nhiên ông Ariyo cảnh báo chương trình có thể kích thích một làn sóng tăng giá bất động sản và khiến những người nghèo tại Indonesia lâm vào cảnh khó khăn khi tìm kiếm nhà ở.
Trong khi đó, chuyên gia Piter Abdullah của Trung tâm cải cách kinh tế (CORE) nhận định chương trình visa trên chưa chắc đã tạo nguồn lực mới cho nền kinh tế Indonesia khi chính phủ luôn có thể điều chỉnh các quy định.
“Các quy định vẫn chưa rõ ràng trong khi chúng cần sự chắc chắn bởi nhà đầu tư thích một quy định rạch ròi về lâu dài”, ông Piter nói khi dẫn chứng động thái tạm thời ngừng xuất khẩu than và dầu cọ gần đây nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thêm nữa, những thủ tục về đất đai cũng là một thách thức cho những người muốn đến đầu tư lâu dài tại Indonesia. Kể từ năm 2014, Tổng thống Joko Widodo đã đơn giản hóa một số thủ tục mua đất cho các công ty tại những đặc khu kinh tế nhằm thu hút thêm đầu tư. Các doanh nghiệp đổ tiền vào đây có thể hưởng những lợi ích như giảm thuế thu nhập, thuế nhập khẩu hay thuế tiêu thụ...
Dẫu vậy, tờ SCMP nhận định sự phức tạp của ngành bất động sản Indonesia liên quan đến quyền sở hữu và các giấy tờ chứng nhận đang khiến nhiều công ty nước ngoài e ngại. Thêm nữa, những chính sách ưu đãi chỉ hướng đến các đặc khu kinh tế trong khi một số đặc khu lại quá xa bờ biển hoặc không có cảng biển, một điểm yếu chí mạng cho quốc gia vạn đảo.
Ở một diễn biến khác, chuyên gia Ariyo nhận định chương trình visa 10 năm trên có thể góp phần thu hút nhà đầu tư cho dự án 34 tỷ USD xây dựng thủ đô mới Nusantara của Indonesia, thay thế cho thủ đô cũ Jakarta đông đúc, chật chội và ô nhiễm.
Trong cuộc khảo sát vào tháng 6/2022 của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Indonesia (CSISI), gần 59% trong số 170 chuyên gia nghi ngờ khả năng hoàn thành dự án thủ đô mới vì thiếu nguồn lực tài chính.
*Nguồn: Bloomberg, SCMP