Đại diện VKSND TP.HCM tại tòa. Ảnh: Y Kiện.
Sáng 17/10, qua 5 ngày xét xử, đại diện VKSND TP.HCM tham gia đối đáp với phần tranh luận của luật sư và các bị cáo liên quan vụ án sai phạm khi chuyển nhượng hàng chục nghìn m2 đất dự án Phước Kiển ở huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông ở quận 7 cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Trong vụ án này, bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm bị truy tố về cùng tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 10-20 năm tù.
"VKS ghi nhận thái độ ăn năn hối cải của ông Tất Thành Cang"
Bị cáo Tất Thành Cang và đồng phạm tại tòa. Ảnh: Y Kiện.
Trước đó, bào chữa cho bị cáo Tất Thành Cang, luật sư Trần Văn Sự đề nghị HĐXX tuyên ông Cang không phạm tội. Tuy nhiên, đại diện VKSND TP.HCM một lần nữa khẳng định cáo trạng truy tố ông Cang và đồng phạm là có căn cứ, đúng pháp luật.
Quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang thừa nhận hành vi phạm tội khi bút phê "Đồng ý" vào tờ trình 1206 như cáo trạng truy tố. Ngoài ra, bị cáo Cang nhiều lần xin nhận trách nhiệm cá nhân và mong các bị cáo khác cũng nhận thấy trách nhiệm của mình để khắc phục hậu quả. "Đại diện VKS ghi nhận thái độ thành khẩn, thể hiện ăn năn hối cải và đồng tình với ý kiến của bị cáo Tất Thành Cang", công tố viên nói.
Đối với bị cáo Trần Công Thiện, VKS cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội. Bị cáo Thiện đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện và chỉ đạo cán bộ trong công ty thực hiện các hành vi trái pháp luật để chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển và dự án Khu dân cư Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
"VKS chia sẻ và đồng tình với ý kiến, nhận định khách quan của luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch về việc xác định tài sản Nhà nước ở Công ty Tân Thuận nhưng quá trình tranh luận, việc luật sư cho rằng bị cáo Thiện không có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Chúng tôi đánh giá đây là chuỗi hành vi xuyên suốt, kéo dài", VKS nói và nêu căn cứ bị cáo Thiện nhiều lần triệu tập cuộc họp hội đồng xây dựng giá, đưa ra giá bán, kết quả xác định chủ sở hữu thuận tất cả nội dung mà Trần Công Thiện trình lên.
Theo VKS, việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, đưa ra đấu giá và các quy định pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, Trần Công Thiện vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục để chuyển nhượng dự án, ký văn bản đề nghị Thành ủy TP.HCM chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ phần diện tích đã đền bù tại dự án Phước Kiển, một phần dự án Khu dân cư Ven Sông, ký hợp đồng và các văn bản khác hoàn tất việc chuyển nhượng dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 735 tỷ đồng.
Đối với ý kiến của các luật sư cho rằng cần xác định lại thời điểm thiệt hại, VKS cho rằng ở thời điểm này tài sản Nhà nước bị thất thoát trong thời gian kéo dài, liên tục, dự án khu dân cư Ven Sông chỉ dừng lại khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố... VKS xác định khi Nhà nước thoát ly khỏi tài sản, thì việc thất thoát đã hoàn thành.
"Không có căn cứ trả lại 16,9 tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai"
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Y Kiện.
Đối với luật sư đại diện cho Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị HĐXX trả lại 16,9 tỷ tiền lãi đã nộp cho cơ quan điều tra. VKS cho rằng xuyên suốt quá trình điều tra, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai là trái pháp luật. Do đó, hợp đồng đã ký giữa Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai là vô hiệu.
Công tố viên dẫn chứng theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi hợp đồng vô hiệu 2 bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, nếu bên nào có lỗi thì phải bồi thường. Do đó, Quốc Cường Gia Lai trả lại Tân Thuận toàn bộ dự án Phước Kiển, còn Quốc Cường Gia Lai trả lại cho Công ty Tân Thuận số tiền 374 tỷ đồng và tiền thuế VAT 23 tỷ.
"Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng có một phần lỗi khi không tìm hiểu kỹ pháp luật về chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp Nhà nước. Về việc Quốc Cường Gia Lai cho rằng 2 bên thỏa thuận việc Công ty Tân Thuận trả lãi cho Quốc Cường Gia Lai là giao dịch dân sự nên Quốc Cường Gia Lai được nhận lại tiền lãi này. Tuy nhiên, VKS nhận định việc chuyển nhượng dự án là trái pháp luật, nên không thể giải quyết theo dân sự, không có căn cứ", công tố viên khẳng định.
Ngoài ra, theo đại diện VKS, nếu các bị cáo có chính kiến, tự đánh giá đối với việc chuyển nhượng dự án Nhà nước, xem xét kỹ hồ sơ, không phụ thuộc vào người khác, thì không có hậu quả xảy ra, không có phiên tòa này diễn ra.
"Có thể các bị cáo tin tưởng tham mưu của cấp dưới, tin tưởng sự lãnh đạo của cấp trên, nhưng cho dù đó là lý do gì các bị cáo không thực hiện đúng pháp luật, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, thì phải liên đới chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình", VSK nói và cho rằng cơ quan công tố đã đánh giá hành vi, mức độ phạm tội, phân tích cụ thể sai phạm của các bị cáo dựa trên các chứng cứ khách quan và lời khai của các bị cáo tại tòa.