Sáng 21/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Sau khi các luật sư trình bày luận cứ bào chữa cho các bị cáo, đại diện VKSND TP.HCM tham gia đối đáp. Dẫn chứng khoản 4 Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản, kiểm sát viên nói các bất động sản được đưa vào kinh doanh gồm các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại. Trong vụ án này, các loại đất được Nguyễn Thái Luyện đưa vào kinh doanh, chào bán cho khách hàng là đất nông nghiệp, đất quốc phòng, đất lâm nghiệp...
Theo kiểm sát viên, Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản quy định về điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai đưa vào kinh doanh và Điều 168 Luật Đất đai thì dự án được chuyển nhượng sau khi có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Trên thực tế, một số dự án Luyện và đồng phạm chỉ mới thỏa thuận mua bán chủ đất hoặc đặt cọc nhưng vẫn mở bán, thu tiền của khách hàng.
"Bị cáo Nguyễn Thái Luyện đã vi phạm Điều 12 Luật Kinh doanh bất động sản. Cụ thể, Điều 12 quy định, dự án trước khi đưa vào kinh doanh phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư. Đồng thời, bị cáo vi phạm vào Điều 41 Nghị định 43 về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định chủ đầu tư khi phân lô, bán nền phải hoàn thiện, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phải được phê duyệt tỷ lệ 1/500...", kiểm sát viên phân tích.
Trong vụ án này, theo kết quả điều tra, lời khai của các bị cáo cho rằng khi bán dự án đều giới thiệu với khách hàng là dự án có tính pháp lý, là đất thổ cư, gần sân bay Long Thành, khu công nghiệp, trường học và các tiện ích xung quanh; được thanh toán linh hoạt và dễ sinh lời nên các bị hại tin tưởng ký kết hợp đồng.
Từ những phân tích trên, VKS khẳng định Nguyễn Thái Luyện và Công ty Alibaba đã đưa ra thông tin gian dối trước khi ký kết hợp đồng với khách hàng để thu tiền. Đất mà Alibaba và khách hàng ký kết không phải đất dự án được cơ quan Nhà nước phê duyệt chuyển nhượng theo quy định pháp luật. Do đó, cáo trạng truy tố Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ. VKS giữ nguyên quan điểm về khung hình phạt đối với Luyện.
Đối với các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, kiểm sát viên cho rằng quá trình luận tội và đề nghị mức án, VKS đã xem xét phân hóa trách nhiệm, áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Ngoài ra, đối với đề nghị của một số luật sư, VKS đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá thêm.
Trước đó, nêu quan điểm luận tội, đại diện VKS nhận định bị cáo Luyện rao bán cái mình không có, lừa dối người mua hàng bằng thủ đoạn lập hệ thống các tổ chức công ty để che giấu hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.500 bị hại. Đại diện VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân; đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh nhận 16-18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo là đồng phạm của Luyện bị VKS đề nghị từ mức án từ 12-20 năm tù về cùng tội danh trên. Riêng bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị VKS đề nghị mức án 30 năm tù về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.