Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại phiên giao dịch cuối cùng trong sắc đỏ bất ngờ cuối phiên, sự bất ngờ cũng chính là điểm nhấn lớn nhất trong một năm giao dịch vừa qua của nhà đầu tư.
VN-Index chốt năm tại mức 1.007,09 điểm, giảm tổng cộng gần 32,8% kể từ đầu năm. Chỉ số này ghi nhận 9 tháng giảm điểm và có 3 tháng hồi phục nhẹ sau mỗi giai đoạn giảm sâu.
Kết quả này đưa VN-Index vào nhóm chỉ số chứng khoán lớn diễn biến xấu nhất trong năm 2022. Chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam đứng thứ 4 về hiệu suất tệ nhất, chỉ xếp sau chứng khoán Nga (-39,2%), Philadelphia Semiconductor Index (-35,8%) và Nasdaq tại Mỹ (-33,1%).
Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong 14 năm gần nhất và cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử chỉ sau năm 2008. Nói thêm rằng thị trường chứng khoán giai đoạn 2008 còn khá sơ khai và biến động lớn nên khủng hoảng diễn ra mạnh hơn.
Chứng khoán thế giới trải qua một năm đầy biến động trước làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, xung đột Nga - Ukraine, chính sách zero Covid của Trung Quốc, giá hàng hóa tăng phi mã...
Theo Bloomberg, sau một năm sụt giảm 18.000 tỷ USD vốn hóa, chứng khoán toàn cầu vẫn còn đối mặt nhiều thử thách trong năm 2023 nếu không muốn lặp lại kịch bản xấu. Chỉ số MSCI All-Country World Index đang ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng 2008.
Chứng khoán Việt Nam bên cạnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thị trường tài chính quốc tế còn đối mặt với các thách thức nội tại. Các vụ việc thanh lọc thị trường chứng khoán, xử lý trái phiếu, thắt chặt thanh khoản... càng khiến cho chỉ số chứng khoán trong nước lao dốc.
Mức độ biến động của thị trường trong năm cũng trở nên khốc liệt hơn. VN-Index đã có 39 lần tăng/giảm mạnh từ 2% trở lên, nhiều nhất kể từ năm 2009. Thậm chí một số phiên giao dịch còn ghi nhận mức độ biến động hơn 5%, với hàng loạt cổ phiếu tăng trần/giảm sàn, càng khiến tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ hoang mang hơn.
Với mức giảm gần 33%, giá trị vốn hóa của sàn HoSE theo đó bị “thổi bay” 1,82 triệu tỷ đồng (~77 tỷ USD) sau một năm, xuống còn khoảng hơn 4 triệu tỷ đồng. Quy mô sàn HoSE trong lúc đỉnh điểm từng vượt qua mốc 6 triệu tỷ đồng vào đầu tháng 4/2022.
Trong khi giá trị vốn hóa sàn HNX cũng bốc hơi gần 258.000 tỷ đồng và UPCoM mất hơn 461.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị vốn hóa trên các sàn đã bốc hơi hơn 2,5 triệu tỷ đồng (tức hơn 100 tỷ USD).
Xét theo từng doanh nghiệp, Vietcombank vẫn đang là đơn vị có quy mô lớn nhất thị trường với hơn 378.600 tỷ đồng, tương đương chiếm 9,4% tổng vốn hóa sàn HoSE. Xếp ngay phía sau là Vinhomes với giá trị hơn 209.000 tỷ và Tập đoàn Vingroup đạt gần 205.200 tỷ đồng.
Những cái tên lớn khác trong bảng xếp hạng vốn hóa còn ghi nhận BIDV, PV GAS, Vinamilk, Tập đoàn Masan, VietinBank, VPBank và Sabeco.
Phần lớn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn bị giảm quy mô vốn hóa trong năm qua khi cổ phiếu lao dốc. Thậm chí có nhiều đơn vị đã rời khỏi danh sách vốn hóa tỷ USD như Bất động sản Phát Đạt, DIC Corp, VNDirect, Đức Giang, Khang Điền, Đất Xanh, Kinh Bắc...
Điểm sáng lớn nhất của thị trường đến từ khối ngoại khi bắt đầu rót tiền mạnh từ giữa tháng 11. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã quay đầu mua ròng hơn 29.000 tỷ đồng trong năm nay (sau khi bán ròng gần 82.000 tỷ giai đoạn 2020-2021), cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Điển hình là dòng vốn từ các quỹ ETF ngoại, nhất là nguồn tiền lớn từ Fubon FTSE Vietnam ETF và DCVFM VNDiamond ETF với hàng chục nghìn tỷ đồng được huy động mới, đa dạng thêm lựa chọn đầu tư và dòng vốn trên thị trường.