VN-Index dao động trong biên độ 1.000 – 1.080
Trong báo cáo chiến lược tháng 3 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá ngưỡng tâm lý 1.000 điểm đã hỗ trợ khá tốt cho thị trường trước đà giảm của tháng trước. Đồng thời, khi thị trường tiến về vùng giá này, áp lực bán có xu hướng giảm dần đồng thời cầu bắt đáy cũng hoạt động tương đối tốt.
Theo VDSC, rủi ro giảm giá trong tháng 3 có thể xuất hiện từ những thông tin liên quan tới diễn biến bất lợi hơn kỳ vọng của thị trường trái phiếu Bất động sản, Fed có thay đổi bất ngờ về kịch bản nâng lãi suất (dotplot) trong cuộc họp tháng 3 sau những diễn biến không mấy thuận lợi gần đây của lạm phát, và kỳ vọng kém khả quan của kết quả kinh doanh quý 1/2023.
Đối với kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng rằng thị trường sẽ giữ được mức 1.000 khi các thông tin bất lợi là không mới, và nhiều thông tin hỗ trợ đáng chú ý có thể sẽ sẽ dần được hé lộ khi mùa KQKD và ĐHCĐ đang đến gần.
VDSC kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng này sẽ có xu hướng chính đi ngang, dao động trong biên độ 1.000 – 1.080.
Thống kê dòng vốn ETF từ đầu năm cho thấy, các quỹ ETF đang có xu hướng bị rút ròng kể từ giữa tháng 2, song xu hướng bán ròng của NĐT nước ngoài có thể sẽ không còn quá trọng yếu, thậm chí có thể được kiềm chế trong tháng 3. Lý giải về quan điểm trên, nhóm phân tích đưa ra 3 nguyên nhân chính:
- Thứ nhất, khoảng thời gian diễn ra xu hướng bán ròng trong tháng 2 trùng với thời điểm chỉ số đồng USD (DXY) mạnh lên bất ngờ 1% sau khi lạm phát tháng 1 tại Mỹ không giảm nhanh như dự kiến, khiến thị trường thay đổi kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed.
Thị trường vẫn đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ nâng mức lãi suất cuối cùng của năm nay lên khoảng 5,25%-5,5% và đã phần nào phản ánh kỳ vọng trong thời gian qua lên DXY và lợi suất trái phiếu trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Do đó, VDSC không kỳ vọng diễn biến tỷ giá có quá nhiều biến động nằm ngoài tầm kiểm soát của SBV trong thời gian tới. Việc điều tiết tốt tỷ giá của SBV sẽ kiềm chế trạng thái bán ròng của khối ngoại, đặc biệt là nhóm quỹ ETF.
- Thứ hai, sự lo ngại về làn sóng vỡ nợ trái phiếu BĐS. Đây là một rủi ro lớn của thị trường tại thời điểm hiện tại nhưng không phải là một nhân tố bất ngờ khi những doanh nghiệp trong danh sách khất nợ trái phiếu hầu hết là những cái tên khá quen thuộc. Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng quá trình này sẽ không diễn ra trong ngắn hạn, và sẽ phụ thuộc vào hoạt động thương thảo, xử lý từ các bên liên quan. Do đó, thị trường và nhóm NĐT nước ngoài ít có khả năng chiết khấu thêm rủi ro này vào giá trong tháng Ba.
- Thứ 3, động thái chốt lời nhẹ từ các quỹ chủ động. Nhóm phân tích chứng khoán Rồng Việt cho rằng các quỹ chủ động có thể sẽ chuyển sang mua dần trở lại trạng thái cổ phiếu đã bán, sau khi VN-Index tháng 2 đã hạ nhiệt.
Trong khi các yếu tố mới chưa xuất hiện, nhiều khả năng những kỳ vọng về KQKD quý 1/2023 sẽ có tác động đáng kể lên thị trường trong tháng 3. Đội ngũ phân tích VDSC không quá lạc quan vào diễn tăng trưởng lợi nhuận quý này, kéo theo đó là định giá thị trường.
Chiến lược đầu tư thận trọng tiếp tục được áp dụng
Với sự hạn chế về dòng tiền từ NĐT trong và ngoài nước, chỉ số VN-Index khó có thể tăng vượt qua mức đỉnh thiết lập cuối tháng 1. Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, tốc độ mở cửa và phục hồi nhanh hơn của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc (thông qua chỉ số PMI), sẽ là động lực tăng trưởng/ hồi phục của nhiều ngành nghề kinh doanh mà Việt Nam trực tiếp/ gián tiếp chịu ảnh hưởng.
VDSC kỳ vọng yếu tố này sẽ giúp các nhịp điều chỉnh của thị trường chưa quá mạnh, ít nhất khi mà mùa công bố KQKD quý 1 và đại hội đồng cổ đông 2023 đang đến gần.
Trong khi động lực hỗ trợ cho xu hướng tăng bền vững của thị trường chưa rõ ràng, rủi ro vỡ nợ, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp BĐS có tỷ lệ phát hành trái phiếu cao vẫn đang hiện hữu.
"Do vậy, chiến lược đầu tư thận trọng tiếp tục được bảo lưu. NĐT ngắn hạn có thể dành 30 – 50% danh mục cổ phiếu hiện tại cho việc mua – bán ngắn hạn nhằm tối ưu hiệu suất đầu tư của danh mục tổng thể", báo cáo VDSC nêu rõ.