Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/10 vừa qua, chỉ số VN-Index đã xuống sát mốc 1.000 điểm. Thậm chí trong phiên này, đã từng có thời điểm VN-Index xuống dưới mốc 1.000.
Như vậy, chỉ trong 6 tháng qua, VN-Index đã giảm hơn 500 điểm, tương đương giảm khoảng 33%.
Thống kê của HOSE cho biết, tại ngày 1/4/2022, vốn hóa HOSE là 6 triệu tỷ đồng thì đến hết phiên ngày 11/10 vừa qua đã giảm xuống chỉ còn 4,01 triệu tỷ đồng.
Tại thời điểm 1/4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam có 19 doanh nghiệp quy mô vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng. Thế nhưng, đến ngày 11/10/2022, danh sách này chỉ còn 12 doanh nghiệp.
7 cái tên đã bị giảm mạnh vốn hóa là Vietinbank, Techcombank, Thế Giới Di Động, FPT, Viettel Global, MB và Tập đoàn Cao su. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp đang xuống sát mốc 100.000 tỷ là VPBank và Hòa Phát.
Hòa Phát cùng với Techcombank và GVR là 3 doanh nghiệp có vốn hóa giảm trên 50% trong 6 tháng qua.
Nếu tính về giá trị tuyệt đối, Hòa Phát và Vinhomes giảm mạnh nhất, với mức giảm cùng trên 100.000 tỷ đồng. Đứng sau là Vietcombank, Techcombank (hơn 90.000 tỷ đồng), Vingroup, BIDV (hơn 80.000 tỷ đồng).
Đáng chú ý, có một doanh nghiệp tăng được vốn hóa trong 6 tháng qua, là Sabeco. Trong những phiên giao dịch của tháng 10, dù thị trường chung giảm sâu nhưng cổ phiếu của Sabeco chỉ giảm chưa tới 1%.
Trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ khó giữ mốc 1.000 điểm. Theo chứng khoán MBS, ngưỡng 1.000 điểm đối với VN-Index rất khó giữ khi nhiều cổ phiếu lớn đã để mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Kể từ khi mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm đến nay, VN-Index chưa có nhịp hồi nào quá 1 phiên.
Theo chứng khoán TVSI, các tín hiệu về việc tạo đáy của thị trường vẫn ngày càng mờ nhạt và chưa xuất hiện. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên kiên nhẫn chờ đợi thêm.
Chứng khoán VCBS cho rằng nếu VN-Index đánh mất vùng điểm 990 – 995 tương đương với ngưỡng Fibonacci mở rộng (0,786), xác suất thị trường tiếp tục lùi sâu xuống vùng 900 điểm trong ngắn hạn là hoàn toàn có thể xảy ra.