Mới đây, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế GTGT 2%, Ngân hàng nhà nước tiếp tục họp với các NHTM về việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Vấn đề đẩy mạnh vốn đầu tư công cũng đưa ra trong Chương trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra...
Bàn luận về những thông tin “nóng” tại chương trình Khớp lệnh, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), đồng thời là Sáng lập nền tảng đầu tư Fstock.vn đánh giá thị trường đang ở trong vùng trũng, nhưng là trũng về dòng tiền.
Về mặt thông tin, đang có nhiều thông tin tích cực dần xuất hiện hơn. Tuy nhiên, để có thể phản ánh và tác động vào nền kinh tế, ông Ngọc cho rằng cần phải có một độ trễ nhất định. Vị chuyên gia tới từ Chứng khoán CSI nhận định rằng trên thị trường chứng khoán, một điều luôn tồn tại là độ trễ về mặt thông tin.
"Chẳng hạn như thông tin lãi suất mới chỉ được công bố vào đầu tuần, song thông tin này dường như đã được trao đổi từ trước. Thậm chí, Ngân hàng nhà nước cũng đã đưa ra thông điệp từ đầu tháng 5. Khi tin chính thức được công bố, nhiều nhà đầu tư coi đây là thời điểm để chốt lời", ông Ngọc cho hay.
Một trong những yếu tố quan trọng hơn cả trên thị trường chứng khoán là dòng tiền, và ngắn hạn chưa cho thấy những dấu hiệu đột phá. Đây cũng là lý do tại sao thị trường hiện tại đang khá trầm lắng, thậm chí “ngó lơ” những thông tin tốt.
3 yếu tố khiến dòng tiền chưa "tự tin" vào chứng khoán
Mặt khác, ông Ngọc nhận định thị trường năm nay khá khó khăn, một khi chạm cận trên 1.080-1.100 điểm, áp lực bán thường gia tăng. Ngược lại, mức điều chỉnh của thị trường lại không quá lớn, VN-Index có vùng hỗ trợ khá mạnh quanh 1.040-1.050 điểm.
Đáng chú ý, vị chuyên gia chỉ ra một số yếu tố đang cản trở dòng tiền vào chứng khoán, và đây cũng là tác nhân khiến thị trường trở nên “miễn nhiễm” với các thông tin tích cực.
Một là, những thông tin tích cực ảnh hưởng đến nền kinh tế thực thường có độ trễ. Thực tế, khi NHNN điều hành các mức lãi suất cho vay qua đêm, trần lãi suất,… các NHTM mới có điều kiện giảm lãi suất đầu vào. "Thường sẽ có độ trễ khoảng 1 tháng hoặc 1 quý để chi phí vốn huy động của các ngân hàng thực sự giảm xuống. Khi đó, các ngân hàng mới đủ dư địa để giảm lãi suất cho vay. Vì vậy, những thông tin này sẽ tác động tích cực trong trung và dài hạn nhiều hơn là tác động ngay vào dòng tiền trong nền kinh tế thực", ông Đỗ Bảo Ngọc nêu rõ.
Hai là, nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn trước bức tranh kết quả kinh doanh quý tới. Thực tế, ở giai đoạn này, KQKD quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết hay tăng trưởng kinh tế nói chung được dự báo là một quý chưa có nhiều gam màu tích cực. Không những vậy, có thể phát lộ ra nhiều gam màu khiến nhà đầu tư phải cẩn trọng hơn, do báo cáo quý 2 là báo cáo kiểm toán.
Ba là, áp lực đáo hạn trái phiếu từ tháng 5 đến tháng 9 sẽ rất lớn và đây vẫn là một gánh nặng cho thị trường. Doanh nghiệp sẽ tập trung xử lý vấn đề trái phiếu nên dòng tiền có thể sẽ tiếp tục eo hẹp.
Nhu cầu tín dụng "thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa"
Cuộc họp sáng ngày 25/5 của NHNN đối với các NHTM về việc yêu cầu các NHTM giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Liên quan đến động thái này, vị chuyên gia CSI nhấn mạnh rằng chính sách giảm lãi suất có hiệu lực từ tháng 3, song đến nay lại chưa cho thấy những ảnh hưởng rõ nét. Do đó, bắt buộc NHNN phải đưa ra các biện pháp hành chính như vậy.
"Những biện pháp hành chính này sẽ có ảnh hưởng tức thì trên thị trường, tuy nhiên chỉ có thể giải quyết trong ngắn hạn và không phải là cách để giải quyết một cách rốt ráo cả một vấn đề lớn," chuyên gia CSI chỉ rõ.
Theo quan điểm của ông Ngọc, biện pháp nào đưa được vốn ra ngoài nền kinh tế mới là yếu tố thay đổi cục diện. Bởi ngắn hạn, tín dụng đang bị 'mắc kẹt', kẹt ở chỗ những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tạo ra giá trị và được ưu tiên cho vay lại gặp các vấn đề như: thu hẹp sản xuất, mất đơn hàng, nhu cầu trong và ngoài nước sụt giảm mạnh, cắt giảm nhân công,... Nhiều doanh nghiệp đối mặt với sự thu hẹp của ngành và không còn mặn mà trong việc vay vốn để sản xuất.
Mặt khác, các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng cao thuộc lĩnh vực bất động sản, chứng khoán,... lại là những lĩnh vực không được ưu tiên.
"Đây là một số lý do mà việc cấp tín dụng tại nhiều nhóm ngành vẫn thiếu, trong khi nhiều nhóm khác lại thừa, các ngân hàng thương mại đang đứng trước cái khó như vậy", ông Ngọc kết luận