Wiki

Vỡ mộng đám cưới vì thảm họa khí hậu

Sinh kế tàn lụi ở các ngôi làng ven biển Ấn Độ đã khiến nam giới rời đi để làm kinh tế, trong khi nữ giới từ chối làm đám cưới ở nơi họ không thấy tương lai, theo The Guardian.

Các bức tường ở Udaykani, ngôi làng ven biển thuộc bang Odisha phía đông Ấn Độ, từng được trang trí bằng ốc xà cừ và shehnais (một loại nhạc cụ đám cưới). Đây là 2 hoạ tiết tượng trưng cho điềm lành trong cuộc hôn nhân truyền thống.

Đáng tiếc là những hình ảnh sinh động ấy đã mờ nhạt không chỉ bởi thời gian, mà còn bởi thực tế khắc nghiệt rằng ngôi làng - nơi từng là trung tâm tổ chức các lễ kỷ niệm vui vẻ - đã không được chào đón bất cứ cô dâu nào trong hơn một thập kỷ qua.

Tiêu tan giấc mơ an cư lạc nghiệp

Một bên là biển và bên còn lại là cánh đồng, Udaykani cùng với làng Tandahar lân cận đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận siêu bão có cường độ mạnh nhất từng được ghi nhận ở phía bắc Ấn Độ Dương, đổ bộ vào bang này 25 năm trước.

Giờ đây, môi trường biến động càng khiến độ mặn của đất và nước tăng lên, dẫn đến mất đất canh tác nông nghiệp và sinh kế của người nông dân. Giấc mơ an cư lạc nghiệp và lập gia đình của mọi người vì thế cũng tan theo sự mất mát hoa màu.

Dấu ấn một thời sôi động, nhộn nhịp tại làng Udaykani. Ảnh: Aishwarya Mohanty/The Guardian.

Trước tình cảnh này, Vaidehi Kardi (64 tuổi, cư dân Tandahar) ngậm ngùi: “Đất nhiễm mặn đã ngăn cản sự hút nước của cây và khiến cây héo úa. Nước cũng vậy và cuộc sống của chúng tôi đang tàn lụi từng ngày. Việc kết hôn của con trai chúng tôi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Mọi người đều cảm thấy ngôi làng không còn an toàn".

Theo Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Ấn Độ, với đường bờ biển dài 7.500 km, Ấn Độ phải hứng chịu gần 10% số cơn bão trên thế giới. Chúng hầu hết hình thành trên Vịnh Bengal và tấn công bờ biển phía đông kèm theo lốc xoáy. Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, 9 cơn bão đã tàn phá Vịnh Bengal.

Bang Odisha ghi nhận tình trạng xói mòn 28% dọc theo bờ biển dài 451 km của bang này. Năm ngoái, 16 ngôi làng trong bang đã biến mất dưới biển và 247 ngôi làng khác phải đối mặt với số phận tương tự khi mực nước biển dâng cao.

Nhớ lại quá khứ đau thương, Budheswar Kardi (74 tuổi, ở Udaykani) cho biết: “Chúng tôi mất một thời gian dài mới hồi phục sau sự tàn phá của siêu bão năm 1999. Nhà cửa khi ấy bị phá hủy hoàn toàn và hầu hết người dân mất trắng đất nông nghiệp. Nước biển tiến sâu nên chúng tôi phải di dời vào sâu hơn trong đất liền. Chúng tôi đã từng bước hồi sinh vùng đất nhưng không mấy thành công bởi cảm giác như biển đang lấn vào mỗi năm”.

Bất cứ ai đến thăm chúng tôi đều không bao giờ ở lại qua đêm vì khan hiếm nước. Việc tắm rửa cũng bất khả thi vì sợ bệnh ngoài da.

Arjun Pradhan (58 tuổi) đã cất công tìm vợ cho con trai Abhijeet suốt 5 năm. “Có thời, đàn ông trong làng chúng tôi kết hôn ở độ tuổi 20, 21. Giờ thì chúng tôi có những chàng trai độc thân 30 tuổi vẫn chưa tìm được người phù hợp. Đó là lý do mà tôi đã bảo con trai rời làng lên thành phố, không chỉ để tìm việc làm mà còn để tìm vợ. Tôi muốn nó có cuộc sống ổn định và tốt đẹp", ông nói.

Đó không chỉ là viễn cảnh hôn nhân. Với độ mặn của đất ngày càng tăng khiến nước không thể uống được, bạn bè và người thân cũng không muốn đến thăm làng.

Kanchan Swain (50 tuổi, đến từ làng Tandahar) cho biết: “Bất cứ ai đến thăm chúng tôi đều không bao giờ ở lại qua đêm vì khan hiếm nước. Việc tắm rửa cũng bất khả thi vì sợ bệnh ngoài da”.

Dân làng phải đổi ngũ cốc hoặc dầu để lấy nước uống từ những ngôi làng cách đó 16 km.

"Chạy mất dép"

Tình trạng nhiễm mặn đất nông nghiệp là một trong những vấn đề môi trường cấp bách. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hơn 833 triệu ha đất trên toàn thế giới đã bị nhiễm mặn, tương đương 10% đất nông nghiệp. Một số ước tính cho thấy độ mặn cao ảnh hưởng đến 1/3 diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu, và tỷ lệ ngày càng tăng - ở mức 10%/năm.

Đất, nước nhiễm mặn khiến cả ngôi làng mất kế sinh nhai. Ảnh: Aishwarya Mohanty/The Guardian.

Khi đất nông nghiệp không thể chống đỡ được tình trạng nhiễm mặn trầm trọng, sinh kế truyền thống trở nên bấp bênh. “Làng còn lại gì để chúng ta tiếp tục ở đây?”, ông Budheswar Kardi thốt lên.

Ngôi làng đã có truyền thống làm nông bao đời và giờ thì đất đai không còn khả năng sản xuất. Điều này khiến các thế hệ lớn tuổi không còn cách nào ngoài việc gửi con cái đi nơi khác.

Do đó, những ngôi làng ven biển hiện là nơi sinh sống của hầu hết đàn ông và phụ nữ lớn tuổi, bị bỏ lại phía sau để chăm sóc đất đai trong khi những người trẻ di cư, dù vẫn khó tìm công việc lẫn bạn đời.

Mỗi cô gái đến thăm nhà tôi đều lo lắng về tương lai của mình.

Abhijeet Pradhan chuyển đến Hyderabad theo mong muốn của cha và hiện làm bồi bàn tại một khách sạn sau 3 lần "nhảy việc" chỉ trong 2 năm. "Bất cứ khi nào tan làm, tôi đều thu mình lại trong 4 bức tường nhà. Ai lại đồng ý kết hôn với một người không có tương lai ổn định như vậy", Abhijeet Pradhan bày tỏ.

Trong khi đó, một người đàn ông 32 tuổi ở Udaykani từng bị những người phụ nữ mà gia đình anh giới thiệu từ chối bốn lần. “Mỗi cô gái đến thăm nhà tôi đều lo lắng về tương lai của mình. Bố mẹ muốn tôi tìm bạn đời và kết hôn ở Chennai - nơi tôi đang làm việc. Họ sợ rằng nếu cô ấy hoặc gia đình cô ấy đến thăm làng chúng tôi, họ cũng có thể từ chối", người này chia sẻ.

Nam thanh niên được khuyến khích rời khỏi các ngôi làng như Tandahar để tìm việc làm và bạn đời ở thành phố. Ảnh: Aishwarya Mohanty/The Guardian.

Đồng cảnh ngộ, Satya Kardi (27 tuổi, đến từ Tandahar) cũng gánh trên vai trách nhiệm tìm vợ ở nơi làm việc. Tuy nhiên, Kardi phân vân chuyện kết hôn với một người có nhiều khác biệt văn hóa và cách xa nhà. Ngoài ra, Kardi không chắc chắn việc mình có thể nuôi gia đình với đồng lương ít ỏi 17.000 rupee (5,1 triệu VND)/tháng.

Cha của Kardi, ông Jagannath (53 tuổi) thì vẫn luôn hồi tưởng về những cánh đồng trù phú và mùa màng bội thu. “Chúng tôi đã cố gắng phục hồi sản lượng cây trồng nhưng tình trạng nhiễm mặn gây thiệt hại nặng nề. Cây trồng của chúng tôi không bao giờ phát triển hết năng suất; các loại rau cũng nhiễm sâu bệnh. Sản lượng hiện tại chỉ đủ ăn chứ đừng nói đến việc buôn bán kiếm sống", ông nói.

Udaykani và những ngôi làng lân cận cũng từng có giếng, tầng nước ngầm dưới lòng đất và lỗ khoan để tưới tiêu nhưng lốc xoáy xảy ra hàng năm đã phá hủy tất cả. Kể từ đó, nền nông nghiệp sống dựa vào nước mưa, với cây trồng chính là lúa gạo. Điều này có nghĩa là sản lượng thu hoạch từng năm tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên.

Theo NA Ansari, nhà hoạt động xã hội trong khu vực và chủ một đài phát thanh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng thấy rõ ở những ngôi làng này, khiến cơ quan lâm nghiệp phải trồng rừng phi lao để giảm thiểu tác động của sự xâm nhập nước biển, song chưa có đánh giá chính xác về thiệt hại cũng như hậu quả sắp xảy ra để giúp đỡ những ngôi làng.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/vo-mong-dam-cuoi-vi-tham-hoa-khi-hau-post1465633.html