Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2022 của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố quý 4 ước tính đạt 163,2 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 32,1% so với quý 3 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Hà Nội tăng gần 14%
Ngay từ đầu năm 2022, TP. Hà Nội triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 và thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển.
Tính chung cả năm 2022, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 467,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2021, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thống kê tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn các năm 2016-2021 lần lượt là: 10,4%; 9,4%; 11,2%; 11,8%; 9%; - 0,8%.
Cũng theo báo cáo này, trong năm 2022, tình hình thực hiện vốn nhà nước đạt 149,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4%, trong đó, vốn nhà nước trung ương 91,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9%; vốn nhà nước địa phương quản lý 58,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%.
Vốn ngoài nhà nước đạt 287,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 30,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9%.
Chia theo khoản mục đầu tư, tính chung cả năm 2022, vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 295,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng vốn đầu tư và tăng 14% so với năm trước.
Vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 117,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,2% và tăng 13,7%. Vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 25,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5% và tăng 16,2%. Bổ sung vốn lưu động đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,8% và tăng 10%; vốn khác đạt 6,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% và tăng 9,2%.
3 dự án trọng điểm tăng tốc hoàn thành năm 2023
Cũng trong năm 2022, TP. Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, thứ nhất, dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đường trên cao và 4 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75,4%. Trong đó, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 97,2%, đoạn ngầm đạt 33%.
Ngày 5/12 vừa qua, đoạn trên cao 8,5 km từ Nhổn - Cầu Giấy được thành phố cùng chủ đầu tư kiểm tra, đánh giá chất lượng, chạy thử tích hợp toàn tuyến trong môi trường hạn chế, dự kiến đưa vào sử dụng phục vụ người dân Thủ đô đầu năm 2023, đồng thời tiếp tục thực hiện đoạn đi ngầm theo kế hoạch.
Thứ hai,dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng với tổng chiều dài 5,4 km.
Công tác kiểm định, thử tải công trình và thẩm tra an toàn giao thông đang gấp rút hoàn thành để đưa vào khai thác đầu năm 2023.
Thứ ba, dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) được khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km, mặt cắt ngang 19,3 m; điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và phố Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh.
Đến nay, dự án giải ngân được 62,5% kế hoạch vốn, dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông. Dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào tháng 9/2023.
Thứ tư,dự án hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng: Khởi công ngày 6/10/2022, điểm đầu nối với dự án vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A, điểm cuối nối với đường Kim Đồng, quận Hoàng Mai.
Với quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài 890 m, trong đó 460 m đường hầm và 430 m đường dẫn. Đoạn qua hầm mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5 m/làn, đoạn ngoài hầm mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5 m/làn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 778 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 3 năm.