Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022 vừa công bố, trong 9 tháng đầu năm 2022, đầu tư công nghệ tại Việt Nam chứng kiến sự giảm nhẹ so với năm 2021, nhưng vẫn duy trì như mức độ trước đại dịch COVID-19.
Theo đó, tổng số vốn đầu tư được rót ra đã giảm 17,9%, trong đó số lượng thương vụ giảm 13%. Đặc biệt trong quý 3/2021, đầu tư vào công nghệ Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm mạnh.
Tổng vốn và số thương vụ đầu tư trong 9 tháng
Tuy nhiên, nhìn chung bức tranh thị trường vẫn có những điểm sáng với số lượng thương vụ đầu tư giai đoạn cuối lại giữ ổn định và số tiền đầu tư vào vòng Series B đạt mức cao kỷ lục.
Thông tin từ Quỹ Do Ventures & Cento Ventures Research cho biết, 9 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến kỷ lục về số lượng giao dịch với quy mô gọi vốn đạt 10- 50 triệu USD, gần bằng với cả năm 2021. Điều đó cho thấy các công ty đã huy động vốn vòng trước Series A (Pre-A) và Series A vào năm 2021 đã tăng trưởng sang bước giai đoạn tiếp theo. Số lượng thương vụ có giá trị 3- 10 triệu USD và lớn hơn 50 triệu USD ngang nhau.
Mặc dù giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thương vụ có giá trị 500.000 USD đến 3 triệu USD có số lượng giao dịch lớn nhất trong số tất cả các quy mô gọi vốn. Còn số lượng thương vụ vòng tiền hạt giống (Pre-Seed) với số tiền nhỏ hơn 5.000 USD đã giảm 19%.
Bên cạnh đó, số tiền đầu tư vào series B trong 9 tháng đầu năm 2022 cao kỷ lục. Giá trị giao dịch trong phạm vi 10-50 triệu USD tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao lịch sử trong khoảng thời gian 9 tháng đầu năm. Những thương vụ lớn có giá trị lớn hơn 50 triệu USD giảm 55%, do thị trường suy thoái khiến các nhà đầu tư lo ngại về định giá trị công ty cao.
Các chuyên gia cho biết, xu hướng đầu tư năm 2022 có sự thay đổi lớn trong tiêu chí lựa chọn đầu tư, các nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm thận trong hơn trong việc lựa chọn các dự án rót vốn.
Trong số những ngành được lựa chọn đầu tư, ngành bán lẻ tiếp tục vị thế nhóm dẫn đầu về số lượng vốn đầu tư đổ vào, tiếp đó là các lĩnh vực dịch vụ tài chính (fintech). Khi các nhu cầu về thanh toán đang ngày càng trở nên phổ biến, các công ty dịch vụ tài chính cũng trở nên nổi bật hơn với các mô hình kinh doanh đầy tiềm năng như quản lý tài sản, bảo hiểm, nền tảng ứng lương tức thì. Đầu tư vào nhóm ngành y tế đứng thứ 3, ngang bằng với năm 2021, còn lĩnh vực giáo dục là nhóm ngành có mức đầu tư cao đứng thứ 4.
Ước tính cả nước đang có khoảng 3.800 startup đang hoạt động, trong đó đã có 3 lỳ lân là VNG, VNLife và Momo. Việt Nam hiện đứng thứ 54/100 quốc gia trong bảng xếp hạng về hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu; đứng thứ 48/132 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.