Tin vào thị trường Việt Nam
Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục cho thấy nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đang tích cực mở rộng dự án thay vì rót vốn vào dự án mới. Bên cạnh đó hình thức góp vốn, mua cổ phần cũng gia tăng mạnh mẽ hơn.
Cụ thể theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, luỹ kế đến hết ngày 20/5/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam ước đạt 11,71 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm của vốn ngoại chủ yếu do vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới giảm tới 53,4%, chỉ đạt 4,12 tỷ USD và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Không chỉ vốn đăng ký mới giảm, mà quy mô dự án đăng ký mới cũng giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi trong khi số vốn giảm tới 53,4% thì số lượng dự án chỉ giảm nhẹ 5,7%. Quy mô vốn bình quân của một dự án đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm nay chỉ khoảng hơn 7 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với những năm trước thường ở mức 10 - 15 triệu USD.
Trong khi đó, cả vốn đăng ký bổ sung và vốn góp, mua cổ phần của NĐTNN đều tăng trưởng mạnh, lần lượt tăng 45,4% (đạt 5,61 tỷ USD) và tăng 51,1% (đạt 1,98 tỷ USD). Một điểm sáng khác của dòng vốn nước ngoài đó là lượng vốn giải ngân đạt 7,71 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất của 5 tháng trong 5 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá, mặc dù vốn đăng ký mới giảm mạnh, song cả vốn đăng ký điều chỉnh; vốn góp, mua cổ phần và vốn thực hiện đều tăng, cho thấy NĐTNN tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đó là do Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, thực hiện tốt chiến lược bao phủ vaccine, tích cực mở cửa nền kinh tế và ngày càng cải thiện môi trường kinh doanh. Trong khi đó, vốn đăng ký mới giảm mạnh thể hiện nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, dòng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng đều chậm lại.
Có nhiều nguyên nhân khiến vốn FDI chững lại. Đó là rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn phức tạp, khó lường; Fed và các NHTM trên thế giới tăng mạnh lãi suất, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để đối phó với lạm phát, khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào tình trạng đình lạm ở một số quốc gia…
Cải thiện chất lượng dòng vốn
Theo các chuyên gia, khi đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, thì việc vốn đăng ký mới sụt giảm là điều dễ hiểu và không đáng lo ngại. Thay vào đó, vốn đăng ký bổ sung và vốn góp, mua cổ phần tăng trưởng mạnh, mới là biểu hiện rõ nhất cho thấy NĐTNN vẫn tin tưởng vào khả năng tăng trưởng tích cực của Việt Nam. Đồng thời, vốn giải ngân cũng là “tiền tươi thóc thật” rót ngay vào nền kinh tế, trong khi vốn đăng ký mới là dòng tiền hứa hẹn sẽ được giải ngân trong tương lai.
Ở một góc nhìn khác, cũng cần đặt ra lo ngại rằng vốn đăng ký mới trong năm nay sụt giảm sẽ ảnh hưởng tới giải ngân trong năm tiếp theo. Điển hình là năm 2020 khi nền kinh tế vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến vốn đăng ký mới giảm 12,5%, đã dẫn tới năm 2021 vốn giải ngân cũng giảm 1,2%. Năm 2021, vốn đăng ký mới tăng nhẹ 4,1%, nên vốn giải ngân trong năm 2022 cũng sẽ duy trì được mức tăng trưởng dương.
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong năm 2022 nhiều khả năng chỉ đạt quanh mức 26-27 tỷ USD, giảm 10-12% so với năm ngoái. Vốn thực hiện được dự báo tăng trưởng tốt hơn, khoảng 22-23 tỷ USD, tăng 10-12%. Như vậy, nếu vốn đăng ký mới trong năm nay tiếp tục sụt giảm như năm 2020, sẽ ảnh hưởng tới vốn giải ngân, cũng chính là ảnh hưởng tới dòng tiền thực sự của NĐTNN sẽ được rót vào nền kinh tế trong năm 2023.
Sự chững lại của vốn FDI đã được dự báo từ trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Nghị quyết 50/NQ-TW cũng đã đặt ra định hướng thay vì chạy theo số lượng thì cần tập trung vào cải thiện chất lượng dòng vốn. Số liệu trong 5 tháng vừa qua cho thấy, vốn FDI tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng 58,2% tổng vốn đăng ký. Trong khi đó hoạt động bất động sản thu hút được gần 3 tỷ USD, tuy chỉ chiếm tổng 1/4 vốn đăng ký, song đang duy trì xu hướng gia tăng.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, xét trong khu vực ASEAN thì chỉ có khoảng 15% vốn FDI được rót vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Lĩnh vực thu hút vốn ngoại cao nhất là tài chính, bảo hiểm, chiếm khoảng 37%, trong khi đối với Việt Nam chỉ chưa tới 1%. “Sự mất cân đối trong cơ cấu FDI giữa Việt Nam và ASEAN cho thấy Việt Nam đang đứng sau mặt bằng chung của ASEAN, thể hiện đây là nút thắt trong thu hút và sử dụng FDI mà Việt Nam cần cải thiện và tháo gỡ để có thể đạt được mục tiêu cải thiện chất lượng vốn FDI của Nghị quyết 50”, ông Nguyên Văn Toàn nhận định.
Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới cần tiếp tục xây dựng các chính sách để cam kết chuyển giao công nghệ phải là điều kiện bắt buộc đối với NĐTNN khi thực hiện dự án FDI mới. Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao hơn thì cần chuẩn bị sẵn tất cả những vấn đề về cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực. Vấn đề quan trọng khác là phải xây dựng những doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực để sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI. Đối với các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, công nghệ, việc xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp luật, đặc biệt các cơ chế sandbox là rất quan trọng.